4 dự án nghìn tỷ 'giải cứu' kẹt xe khu đông TP HCM

Ngoài hai dự án nút giao An Phú, Mỹ Thuỷ đang triển khai, thành phố sắp mở rộng quốc lộ 13 và khép kín Vành đai 2 phía đông giúp giảm ùn tắc, tăng kết nối vùng.

Với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 13.800 tỷ đồng, dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua TP Thủ Đức là công trình lớn nhất vừa được Sở Giao thông Vận tải duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị triển khai. Đây là một trong 5 dự án nâng cấp, mở rộng đường hiện hữu được thành phố thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), nhờ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98.

Ùn tắc trên quốc lộ 13, đoạn gần cầu Bình Triệu, năm 2023. Ảnh: Gia Minh
Ùn tắc trên quốc lộ 13, đoạn gần cầu Bình Triệu, năm 2023. Ảnh: Gia Minh

Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương, dài gần 6 km, sẽ được mở rộng khoảng 20 m lên 53-60 m. Đây là cửa ngõ chính ở phía đông bắc TP HCM, kết nối qua Bình Dương, Bình Phước, đồng thời là trục đường dẫn vào bến xe Miền Đông cũ. Tuy nhiên, mặt đường hiện hữu chỉ 4-6 làn xe nên tình trạng ùn tắc xảy ra thường xuyên.

Trước đó, kế hoạch mở rộng đoạn quốc lộ trên đã có từ hơn hai thập kỷ trước nhưng vướng cơ chế, thiếu vốn, TP HCM chưa thể triển khai. Sau khi Nghị quyết 98 cho phép thành phố áp dụng hình thức BOT với các công trình nâng cấp đường hiện hữu, dự án mở rộng quốc lộ 13 nằm trong nhóm ưu tiên thực hiện nhằm giảm ùn tắc cho khu vực. Theo Sở Giao thông Vận tải, sau khi hoàn tất các bước phê duyệt dự án, chọn được nhà đầu tư, công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau ba năm.

Vị trí 4 dự án giao thông ở TP Thủ Đức. Đồ họa: Đăng Hiếu
Vị trí 4 dự án giao thông ở TP Thủ Đức. Đồ họa: Đăng Hiếu

Cũng ở TP Thủ Đức, hai đoạn dài hơn 6 km thuộc Vành đai 2 đang được thành phố lên kế hoạch khởi công vào năm 2025, sau nhiều năm chưa thể triển khai vì thiếu vốn. Đây là hai trong 4 phân đoạn còn lại của tuyến vành đai chưa khép kín, được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư hồi năm ngoái với tổng kinh phí khoảng 13.871 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến đại lộ Võ Nguyên Giáp (trước là xa lộ Hà Nội), được đầu tư giai đoạn một với mức vốn khoảng 9.328 tỷ đồng. Đoạn 2 từ tuyến Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng, dài 2,8 km, tổng kinh phí 4.543 tỷ. Cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu, rộng 67 m, sau đó xây đường song hành hai bên và làm các nút giao. Phần đất trống giữa tuyến sẽ dự trữ cho việc triển khai sau này.

Phối cảnh Vành đai 2 đoạn từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng hoàn thành giai đoạn một. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải
Phối cảnh Vành đai 2 đoạn từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng hoàn thành giai đoạn một. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải

Trong tổng vốn đầu tư, kinh phí giải phóng mặt ở hai dự án trên chiếm phần lớn, ước tính hơn 8.600 tỷ đồng phục vụ thu hồi hơn 61 ha đất, hơn 1.000 trường hợp bị ảnh hưởng. TP Thủ Đức đặt mục tiêu cuối năm nay bàn giao khoảng 70% diện tích để sớm khởi công hai dự án. Theo kế hoạch, hai đoạn Vành đai 2 này hoàn thành năm 2027, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu đông, tăng kết nối đến các cảng Cát Lái, Trường Thọ...

Là một trong những khu vực có tình hình giao thông phức tạp nhất TP HCM, nút giao An Phú ở cửa ngõ phía đông cũng đang được thành phố triển khai dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Nút giao này được xây dựng ba tầng, gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), rồi tiếp tục kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Trên cao, nút giao có hai cầu vượt cho xe rẽ đi các hướng; mặt đất sẽ có đảo tròn trung tâm cùng tháp biểu tượng.

Riêng giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, ngoài hầm chui kéo dài qua đây, hai cầu vượt cũng được xây dựng kết nối các tuyến này với nhau. Cầu Giồng Ông Tố hiện hữu trên tuyến Đồng Văn Cống cũng có hai nhánh được xây thêm bên cạnh để tăng diện tích.

Ùn tắc ở nút giao An Phú, tháng 5/2024. Ảnh: Gia Minh
Ùn tắc ở nút giao An Phú, tháng 5/2024. Ảnh: Gia Minh

Hiện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2025. Trong đó, năm nay sẽ xong một số hạng mục như cầu Bà Dạt, Giồng Ông Tố, đoạn hầm chui giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống.

Tuy nhiên, một số khu vực khác đang gặp trở ngại về giải phóng mặt bằng, nhất là đầu tuyến Lương Định Của do chồng ranh dự án khu đô thị. Theo chủ đầu tư, toàn bộ nút giao hoàn thành ngoài giảm ùn tắc cho khu vực sẽ tăng năng lực giao thông đến các cảng, liên kết khu vực Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành...

Cách đó gần 4 km, một dự án khác được kỳ vọng "giải cứu" kẹt xe cho khu Đông là nút giao Mỹ Thuỷ, được đầu tư với kinh phí hơn 3.600 tỷ đồng. Công trình có quy mô ba tầng, trước đó ở giai đoạn một đã hoàn thành những hạng mục lớn như hầm chui, cầu vượt, Kỳ Hà 3... Tuy nhiên, khó khăn giải phóng mặt bằng nên dự án sau đó tạm ngưng. Hồi tháng 4 năm nay, công trình mới được khởi động lại với việc thi công cầu Kỳ Hà 4.

Ngoài hạng mục trên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết lần lượt trong tháng 7 và 9 năm nay sẽ khởi công các hạng mục còn lại của dự án gồm cầu vượt qua nút giao, cầu Kỳ Hà 3... Toàn bộ dự án nút giao Mỹ Thủy dự kiến hoàn thành cuối năm 2025, giúp giảm kẹt xe, tai nạn cho cửa ngõ cảng Cát Lái - cảng đứng đầu nước về sản lượng hàng hoá.

TP Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân, được thành lập đầu năm 2021, trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức cũ. Nơi đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP HCM, tương đương 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước. Tuy nhiên, sau ba năm thành lập, thành phố phía đông TP HCM chưa có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là các lĩnh vực đầu tư hạ tầng.

 

Gia Minh

Nguồn: Vnexpress.vn