Chờ đợi sự đổi thay của thị trường bất động sản

Các chuyên gia đánh giá, có nhiều yếu tố sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trở lại, đặc biệt là ảnh hưởng của các chính sách mới.

Chờ đợi sự đổi thay của thị trường bất động sản
Các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Ảnh: Nam Long

Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở tháng 5.2024 của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services cho biết, nguồn cung mới trong tháng 5 đạt 2.828 căn, giảm 61% so với tháng 4, phần lớn đến từ phân khúc căn hộ trung và cao cấp.

TPHCM và các tỉnh lân cận cho ra nhiều nhất với 1.408 căn. Tổng nguồn cung sơ cấp giảm nhẹ gần 1% so với tháng 4, đạt 47.458 căn.

Nguồn cung trong tháng 6 dự kiến sẽ có sự cải thiện hơn và đa dạng loại hình sản phẩm, đến từ các dự án đã và đang được truyền thông nhưng chưa mở bán.

Hiện tại, các doanh nghiệp bất động sản và các chuyên gia đang chờ đợi các Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 sớm có hiệu lực (dự kiến ngày 1.8.2024) sẽ góp phần hoàn thiện bộ khung chính sách, từ đó sớm có cơ sở để ban hành các văn bản dưới luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, khơi thông nguồn cung và thúc đẩy sự phục hồi, sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bất động sản.

Theo phân tích của các chuyên gia Công ty Chứng khoán MBS, đối với Luật Kinh doanh bất động sản 2023, các quy định mới tập trung vào việc hạn chế tình trạng huy động vốn và phát triển dự án tràn lan gây lãng phí nguồn lực xã hội vào các nhà phát triển bất động sản yếu kém về năng lực tài chính cũng như sở hữu tình trạng pháp lý không rõ ràng. Các quy định mới cũng hướng đến việc củng cố niềm tin của người mua bất động sản và tiến đến minh bạch hóa thị trường.

Tuy nhiên, các điểm mới trong luật, theo MBS, sẽ tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là sản phẩm đất nền trong ngắn hạn và đặt ra yêu cầu về sức khỏe tài chính đối với các nhà phát triển để thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, đồng thời hạn chế đi các hình thức huy động vốn từ khách hàng như trước đây.

Đối với Luật Nhà ở 2023, MBS cho rằng, sự thay đổi chủ yếu tập trung vào việc khuyến khích thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, giúp đảm bảo an sinh xã hội, củng cố niềm tin nơi người mua nhà, góp phần cải thiện thanh khoản, đem lại sự sôi động cho thị trường bất động sản.

Đối với Luật Đất đai 2024, các điểm mới tập trung vào các quy định giúp thúc đẩy quá trình giải phóng mặt bằng, hạn chế tranh chấp, minh bạch hóa trong lúc thực hiện. Về phía các nhà phát triển bất động sản, tốc độ giải phóng mặt bằng được tăng cao cũng đồng nghĩa với thời gian phát triển dự án được rút ngắn đi.

Ở chiều ngược lại, việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên so với giai đoạn trước do giá đất được cập nhật sát hơn với thị trường, dẫn đến chi phí phát triển dự án cũng sẽ tăng lên, kéo theo mức giá đầu ra cũng tăng.

Việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường vẫn cần thêm thời gian để được sự hướng dẫn, áp dụng của các ban ngành.

Các vướng mắc trong khâu định giá như nguồn gốc đất vẫn sẽ chưa được khai thông triệt để theo các thay đổi mới trong luật này.

Bà Giang Đỗ - Giám đốc Tư vấn, Savills Việt Nam nhìn nhận rằng, những thay đổi mang tính đột phá trong việc định giá đất tại Luật Đất đai 2024 sẽ thúc đẩy sự hiệu quả, minh bạch và một cách tiếp cận linh hoạt hơn trong hoạt động này.

"Khi đưa giá đất về sát giá trị thị trường, đất sẽ được giao cho nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao nhất. Cách tiếp cận này giúp thúc đẩy giao đất và sử dụng đất hiệu quả hơn", bà Giang Đỗ - Giám đốc Tư vấn, Savills Việt Nam nêu quan điểm.

Nguồn: Laodong.vn