Nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được đề xuất đóng vai trò lớn hơn tại Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) trị giá 18.120 tỷ đồng.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc là một trong 3 dự án thành phần của Dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương |
Cải thiện tính khả thi tài chính
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4160/VPCP-KTTH gửi Bộ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Giao thông - Vận tải (GTVT); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hỗ trợ cơ chế cho Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc.
Tại Công văn số 4160/VPCP-KTTH, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc thẩm định và quyết định cho vay, thu hồi nợ gốc, nợ lãi của các dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của VDB và phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước và quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, trục lợi, vi phạm pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, VDB nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Các bộ, ngành trên phải chủ động phối hợp chặt chẽ, có văn bản trả lời cho UBDN tỉnh Lâm Đồng theo quy định; kịp thời đề xuất, báo cáo cấp thẩm quyền các nội dung vượt thẩm quyền.
Trước đó, tháng 5/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng có Công văn số 3814/UBND-GT đề xuất hỗ trợ cơ chế cho Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc. Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao VDB tài trợ vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo quy định; thống nhất và chỉ đạo VDB chấp thuận cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với Dự án với điều kiện vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của Dự án (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước).
Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho VDB cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với công trình, với mức vốn cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước). “Đây là những điều kiện để nâng cao tính khả thi tài chính, tạo sức hấp dẫn nhà đầu tư cho Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc”, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có chiều dài 66 km, là một trong 3 dự án thành phần của Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, được Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022. Dự án này sẽ phải hoàn thành vào cuối năm 2026 để có thể khai thác đồng bộ với 2 phân đoạn còn lại của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương là Dầu Giây - Tân Phú và Bảo Lộc - Liên Khương.
Ưu tiên vốn tín dụng đầu tư nhà nước
Tại hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND tỉnh Lâm Đồng trình Hội đồng Thẩm định liên ngành, tổng mức đầu tư Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tăng 5,35% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg, lên mức 18.120 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 36% tổng mức đầu), vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 11.620 tỷ đồng (chiếm 64% tổng mức đầu tư).
UBND tỉnh Lâm Đồng tính toán, Dự án có thời gian hoàn vốn lên tới 28 năm 7 tháng. Đây là khoảng thời gian hoàn vốn, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, là quá dài, gây nhiều khó khăn cho việc thu xếp tín dụng từ phía các ngân hàng thương mại. Ông Võ Ngọc Hiệp cho rằng, ý kiến này là có cơ sở khi thời gian qua, các dự án PPP đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thành công đều có các chỉ tiêu tài chính tốt hơn, do có tỷ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ lên đến 50% (hoặc hơn).
Để tháo gỡ vướng mắc, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chi nhánh VDB Lâm Đồng và Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư đề xuất dự án) đã ký kết thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo đó, tổng mức vốn mà VDB cung ứng theo nhu cầu của Tập đoàn Đèo Cả khoảng 20.000 tỷ đồng, đối tượng cho vay là dự án đầu tư hạ tầng giao thông thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay theo quy định, thời gian cho vay dự kiến trong giai đoạn 2024-2027. Đây là nguồn vốn có thời gian, lãi suất ưu đãi hơn vốn vay thương mại thông thường.
Đến cuối tháng 4/2024, Chi nhánh VDB Lâm Đồng xác nhận, đơn vị này có thể cho vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, với mức vốn cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa bằng 70% tổng vốn đầu tư của Dự án (không bao gồm vốn lưu động) trong phạm vi giới hạn tín dụng theo quy định.
Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của Dự án để đảm bảo tính khả thi tài chính phải tương đương 80% tổng mức đầu tư (không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước). Thế khó cho Dự án là Nghị định số 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), trong khi Luật PPP quy định, vốn chủ sở hữu tối thiểu tại dự án PPP hạ tầng giao thông là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước.
“Tại Dự án PPP đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, vốn chủ sở hữu đang xác định là 20% tổng mức đầu tư không bao gồm phần vốn nhà nước sẽ không đảm bảo điều kiện cho vay tín dụng nhà nước từ VDB theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP”, ông Võ Ngọc Hiệp giải thích.
Nguồn: Baodautu.vn