Thanh lọc thị trường bất động sản, khó để lướt sóng ảo

Khi các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ không thể "tay không bắt giặc", việc đón sóng, lướt sóng ảo sẽ khó có thể xảy ra.

Thanh lọc thị trường bất động sản, khó để lướt sóng ảo
Khi các luật có hiệu lực, thị trường bất động sản sẽ thanh lọc các doanh nghiệp "tay không bắt giặc". Ảnh: Cao Nguyên

Xuất hiện các đại dự án

Nguồn cung căn hộ trên thị trường bất động sản Hà Nội chưa có nhiều cải thiện, đáng chú ý là có đến 93% thị phần đến từ các đại dự án tại các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông và Gia Lâm.

Thị trường gần như hoàn toàn vắng bóng các dự án nhỏ lẻ. Trong tương lai, sự áp đảo của các dự án lớn vẫn tiếp tục tiếp diễn, từ năm 2025 trở đi, sẽ có gần 100.000 căn từ 105 dự án sẽ được đưa ra thị trường.

Không chỉ trên thị trường căn hộ Hà Nội, nhìn trên thị trường chung cả nước, gần như tất cả dự án mở bán thời gian gần đây đều là dự án của các chủ đầu tư lớn, giàu tiềm lực.

Tại Hà Nam, đại đô thị Sun Urban City có diện tích 420 ha, tổng mức đầu tư lên tới 35.000 tỉ đồng mới được khởi công xây dựng. Hay như tại Hải Phòng, đại dự án Vinhomes Royal Island với quy mô lên đến hơn 880 ha. Tổng vốn đầu tư lên đến hơn 55.000 tỉ đồng.

Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - chia sẻ, Sun Urban City là đô thị lớn nhất ở địa phương này. Dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần thay đổi diện mạo của TP Phủ Lý, mục tiêu đưa thành phố trở thành đô thị loại 1 vào năm 2030, Hà Nam là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050.

Sự xuất hiện của các đại dự án trên thị trường bất động sản được TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nhận định là điều dễ hiểu, trong bối cảnh thị trường trầm lắng và chính sách pháp lý có nhiều thay đổi, không còn chỗ cho các chủ đầu tư nhỏ, thiếu tiềm lực.

Sự sàng lọc của cuộc chơi

Theo ông Đính, thị trường bất động sản 20 năm trở lại đây đã tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, sau thời gian tăng trưởng mạnh, từ năm 2018 - 2019 đến nay đã xuất hiện những dấu hiệu gặp khó.

Nguyên nhân là do những vướng mắc về thể chế, pháp lý. Hiện cả nước có trên 1.200 dự án, trên 30 tỉ USD, nằm chờ rà soát thanh tra.

Trước thực trạng đó, Chính phủ, Quốc hội đã sửa đổi các luật liên quan đến thị trường như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng.

Trong các luật sửa đổi lần này, quan điểm của các nhà làm luật là nhằm đồng nhất các quy định thể chế, liên quan đến sử dụng đất đai, không để tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, giúp cho các hoạt động đầu tư, sử dụng các nguồn lực đất đai được rõ ràng, minh bạch, hướng đến việc làm thế nào đẩy mạnh năng lực thực tế.

Ông Đính cho rằng, các khó khăn của thị trường thời gian vừa qua cũng chính là sự sàng lọc cuộc chơi. Thị trường chỉ còn lại những doanh nghiệp đủ năng lực. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ buộc phải cùng liên doanh, liên kết để có đủ sức phát triển và tồn tại trên thị trường.

Khi các luật có hiệu lực, các doanh nghiệp sẽ không thể "tay không bắt giặc", việc phát triển các dự án sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Các nhà đầu tư phải là người làm thật chơi thật. Việc đón sóng, lướt sóng ảo sẽ không thể xảy ra khi các quy định pháp luật mới có hiệu lực.

Về vấn đề này, chia sẻ với PV Lao Động, chuyên gia tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trước đây, các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng và linh hoạt. Họ có thể huy động vốn từ các hợp đồng hợp tác đầu tư, từ người mua nhà, trái phiếu, vay ngân hàng.

Tuy nhiên, các kênh này đến nay đều gặp nhiều khó khăn, kể cả với kênh vay vốn ngân hàng. Vì vậy, chỉ các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mới có thể tồn tại và phát triển trên thị trường.

Nguồn: Laodong.vn