Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông tin trả lời cử tri tỉnh Đồng Nai về tiến độ triển khai cũng như quy mô thực hiện của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có nội dung gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai trả lời một số kiến nghị của cử tri về tình hình thực hiện các dự án giao thông quan trọng trên địa bàn.
Trong đó, liên quan đến dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị nên đầu tư dự án với quy mô tối thiểu từ 3 làn xe trở lên vì trong tương lai lưu lượng xe đoạn đường này rất lớn (kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ với TP. Đà Lạt).
Theo cử tri, hiện tại tuyến đường này chỉ có hai làn xe và một làn dừng khẩn cấp mỗi bên chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải trong thời gian ngắn và sẽ lại dẫn đến tình trạng như hiện nay.
Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) gồm 4 phân đoạn, tổng chiều dài 220 km.
Dự án được quy hoạch với quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030; trong đó đoạn Liên Khương - Prenn dài khoảng 19 km đã được đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2008 với quy mô 4 làn xe.
Bộ GTVT đồng ý cần sớm triển khai cao tốc Dầu Giây - Liên Khương nhằm tăng cường liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án Dầu Giây - Tân Phú (dài 60 km); giao UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án Tân Phú - Bảo Lộc (dài 67 km) và dự án Bảo Lộc - Liên Khương (dài 74 km).
Các dự án nêu trên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, trong đó quy mô đầu tư các dự án được xác định là 4 làn xe căn cứ trên các nguyên tắc: (i) phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan; (ii) phù hợp với kết quả dự báo nhu cầu vận tải; (iii) phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực.
Bộ GTVT và UBND tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định để phê duyệt các dự án và sớm triển khai xây dựng, hoàn thành các dự án.
Theo kế hoạch trong năm 2024, Bộ GTVT sẽ khởi công đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có chiều dài khoảng 60,24 km, đi qua địa bàn các huyện: Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có điểm đầu (Km0) giao với Quốc lộ 1 tại khoảng Km1829+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai;
Điểm cuối (Km60+243.83), vượt qua vị trí giao cắt với Quốc lộ 20 (tại khoảng Km69+400 - Quốc lộ 20) khoảng 200 m, thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai
Phân kỳ giai đoạn 1, tuyến có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tốc độ khai thác 80 km/h, khoảng 4 - 5 km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp (theo chiều xe chạy).
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được đầu tư theo quy mô 4 làn xe cao tốc, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h, có làn dừng khẩn cấp.
Tại các vị trí nút giao liên thông, nền đường đào sâu, điểm dừng xe khẩn cấp thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với chiều rộng nền đường 24,75 m.
Tổng vốn đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 dự kiến khoảng 8.776 tỉ đồng.
Trong khi đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đặt quyết tâm khởi công 2 đoạn còn lại của dự án là Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương trong năm nay.
Cụ thể, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc kết nối tỉnh Lâm Đồng với Đồng Nai, tổng chiều dài khoảng dài 66 km (trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 55km). Dự án yêu cầu mức kinh phí 17.200 tỉ đồng.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tiếp nối cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, dài 73 km. có chiều dài khoảng 74 km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư 19.521 tỉ đồng.