Đường sắt đô thị TP.HCM - Tham Lương sẽ dừng sử dụng vốn ODA, chuyển sang vốn đầu tư công

Đối với tuyến số 2 (TP.HCM - Tham Lương), Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Quyết định theo văn bản số 3084/VPCP-QHQT ngày 11/4/2025 về việc dừng sử dụng vốn ODA, chuyển sang nguồn vốn đầu tư công.

Đường sắt đô thị TP.HCM - Tham Lương sẽ chuyển sang vốn đầu tư công
Đường sắt đô thị TP.HCM - Tham Lương sẽ chuyển sang vốn đầu tư công

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai đồng bộ các dự án đường sắt trọng điểm như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các tuyến đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP.HCM; khẩn trương giải quyết nhanh chóng các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư…

Thủ tướng nêu rõ, ưu tiên lựa chọn hướng tuyến của các dự án đường sắt trên nguyên tắc "ngắn nhất, thẳng nhất có thể; qua núi làm hầm; qua sông bắc cầu".

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả vận hành; tiếp cận, áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xây dựng, quản lý, khai thác đường sắt. Tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ hiện đại, quản trị khoa học, thông minh để phát triển công nghiệp đường sắt.

Với các tuyến đường sắt đô thị, tuyến số 3 (Hà Nội - Yên Sở), Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận đề xuất sử dụng vốn ODA/vốn vay ưu đãi theo kiến nghị của UBND TP Hà Nội, hoàn thành trong ngày 5/5/2025.

Đối với tuyến số 2 (TP.HCM - Tham Lương), Thủ tướng chỉ đạo TP.HCM khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Quyết định theo văn bản số 3084/VPCP-QHQT ngày 11/4/2025 về việc dừng sử dụng vốn ODA, chuyển sang nguồn vốn đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ trong ngày 5/5.

Được biết, Metro Bến Thành - Tham Lương tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng, dài hơn 11km, trong đó 9,2km đi ngầm, còn lại trên cao, đường dẫn depot. Đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở TP.HCM, sau metro Bến Thành - Suối Tiên mới khai thác từ tháng 12/2024.

Hiện công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến metro này đã cơ bản hoàn tất, đang thi công di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông...) nhằm chuẩn bị khởi công các gói thầu chính.

Theo Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, cùng với metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20km mới khai thác, trong 10 năm tới thành phố sẽ có tổng cộng 355km metro. Đến năm 2045, mạng lưới này sẽ tăng lên 510km.

Các tuyến metro sắp tới được định hướng tăng chiều dài đi ngầm để giảm chi phí đền bù, đẩy nhanh thi công và khai thác hiệu quả không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang đô thị theo mô hình TOD.

 

Thiên An

theo Thanhnienviet

Nguồn: cafeland.vn