Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8.2024 được kỳ vọng sẽ giải quyết những vướng mắc lâu nay của các dự án địa ốc, khơi thông nguồn lực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, làm minh bạch thị trường bất động sản… Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sả
Doanh nghiệp kỳ vọng Luật mới gỡ vướng về pháp lý
Việc 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản và khoản 2, điều 209 của Luật Các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với quyết định trước đó, được doanh nghiệp và các chuyên gia kỳ vọng sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong những tháng cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường bất động sản (BĐS) sẽ có tiến triển rõ nét. Trên nền tảng tăng trưởng kinh tế vượt kịch bản đề ra, tín dụng thoát cảnh "đìu hiu", mặt bằng lãi suất vay vẫn thấp, giải ngân đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy, 3 luật mới liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực sớm..., thị trường sẽ tiếp tục phục hồi bền vững.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group - cho biết, để các luật có thể nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, các bộ ngành sẽ ban hành hàng loạt các thông tư, nghị định; UBND tỉnh, thành phố cũng có thêm các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp, người dân.
Theo ông Thắng, các doanh nghiệp bất động sản đặc biệt kỳ vọng khi luật mới có hiệu lực sẽ tháo gỡ những nút thắt về mặt pháp lý. Những dự án mới sẽ rút ngắn quy trình, thời gian cấp phép để tiết kiệm tài chính, chi phí đầu tư. Vì khi thực hiện một dự án sẽ phải vay nguồn vốn của ngân hàng, nếu thời gian thực hiện thủ tục pháp lý diễn ra từ 5-10 năm thì doanh nghiệp sẽ phải trả rất nhiều chi phí lãi vay, chi phí vận hành.
"Tại Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định tiền đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai không quá 5% giá bán. Đồng thời giảm số tiền thanh toán trước khi thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai xuống còn 50% thay vì 70% như quy định trước đây.
Nhưng xét về mặt tích cực, các quy định này sẽ sàng lọc doanh nghiệp có tài chính, bảo vệ an toàn cho người mua. Chính vì vậy doanh nghiệp rất kỳ vọng khi luật mới có hiệu lực sẽ gỡ vướng về mặt pháp lý, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục, cấp phép cho dự án để bù lại các chi phí đầu vào của dự án có thể gia tăng" - ông Võ Hồng Thắng cho hay.
Vẫn còn một số khó khăn cần được hỗ trợ
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho rằng, nguồn vốn sẽ là áp lực đối với hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
"Tuy các nút thắt về pháp lý đã có hướng giải quyết theo các bộ luật mới được thông qua (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai), nhưng nếu vấn đề về “nguồn vốn” không được giải quyết sớm thì chắc chắn nhịp phục hồi của thị trường sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt là hai kênh vốn quan trọng nhất là tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh Việt Nam hiện chưa phát triển các kênh dẫn vốn khác như quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS), quỹ nhà ở..." - ông Khánh cho hay.
Đối với phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH), ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho hay, các luật mới đã tạo môi trường thuận lợi để thực hiện đề án 1 triệu căn NƠXH triển khai, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nước ta hoàn thành 1,06 triệu căn NƠXH. Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp đầu tư NƠXH thực hiện dự án "vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận đất đai (quy hoạch bố trí quỹ đất, công khai dự án); nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; thủ tục hành chính (trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà)"…
Vì vậy theo ông Chiến, các địa phương cần điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó cụ thể về số lượng, chỉ tiêu nhà ở xã hội 2024-2025 và công khai danh mục dự án đầu tư NƠXH độc lập để nhà đầu tư đăng ký.
Bên cạnh đó cần rà soát quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng NƠXH và làm việc với chủ đầu tư để giải quyết các dự án nhà thương mại tồn đọng, nếu có thể cho điều chỉnh cơ cấu căn hộ… và chuyển đổi sang NƠXH. Đặc biệt, cần sớm hình thành quỹ đầu tư NƠXH với mục tiêu cuối cùng là giải bài toán mất cân đối cung cầu để sớm bình ổn thị trường và tiếp tục phát triển loại hình nhà ở này.
Nguồn: Laodong.vn