Do từ ngày 1/8 không còn áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K), nên TP.HCM buộc phải điều chỉnh lại bảng giá đất để áp dụng, và thực tế là giá đất trong dự thảo đang thấp hơn giá thị trường.
Chiều 29/7, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về điều chỉnh Bảng giá đất theo khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố cho biết Luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.
Trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật mới cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Theo ông Thắng, bảng giá đất mới sẽ được áp dụng trong 12 trường hợp và tác động đến 12 nhóm đối tượng tương ứng. Trong đó, chỉ có 1 nhóm được lợi, 3 nhóm không bị ảnh hưởng và có đến 8 nhóm ảnh hưởng.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết dự thảo bảng giá đất mới cập nhật từ cac giao dịch thực thế trên thị trường và còn cân chỉnh lại, sẽ không làm tăng giá bất động sản. Ảnh: Lê Toàn |
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Sở có vội vàng trong việc xây dựng bảng giá đất mới?, ông Thắng cho biết, dù rất muốn có thêm thời gian để thực hiện điều chỉnh bảng giá đất, tuy nhiên, quy định bảng giá đất áp dụng từ ngày 1/8 sẽ không còn quy định về hệ số điều chỉnh như Luật Đất đai 2013 và phải cập nhật giá đất tái định cư.
“Đây là quy định pháp luật, không thể nào không thực thi. Bảng giá đất này sẽ được áp dụng đến ngày 31/12/2025. Từ ngày 1/1/2026 sẽ thực hiện việc điều chỉnh theo quy định mà pháp luật cho phép. Có thể đến cuối năm 2024, chúng tôi sẽ sơ kết và đánh giá lại việc tác động của bảng giá đất”, ông Thắng nói.
Về nguyên tắc và phương pháp thực hiện, ông Thắng nói đều thực hiện theo quy định pháp Luật.
Dự thảo bảng giá đất được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu thị trường về giá đất, dữ liệu giao dịch đất đai qua các năm thông qua Cục thuế, Văn phòng đăng ký đất đai. “Tức là căn cứ trên những hồ sơ giao dịch đã thành công”, ông nói thêm, cơ quan cũng cân chỉnh lại để đưa ra giá phù hợp nên không có chuyện làm tăng giá bất động sản trên thị trường.
Ví dụ, bảng giá đất hiện hành khi sử dụng phải nhân với hệ số điều chỉnh giá đất là 3,5 lần. Do đó, thực tế bảng giá đất điều chỉnh lần này chỉ tăng khoảng 2,5 lần.
Chẳng hạn như giá đất tại tuyến đường Đồng Khởi theo bảng giá đất hiện hành là 162 triệu đồng/m2. Cách đây hai năm, khi Thành phố phê duyệt giá đất cụ thể cho căn nhà thuộc tầng trệt là 680 triệu đồng/m2, nếu tính theo cách nội suy thì giá đất tại khu vực này tương ứng với 970 triệu đồng/m2.
Nay, bảng giá đất dự kiến điều chỉnh cho tuyến đường Đồng Khởi có giá 810 triệu đồng/m2.
Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về việc người dân khi mua đất nông nghiệp, sau đó phải nộp thêm tiền chuyển mục đích chuyển sử dụng đất với giá thị trường thì tương ứng với việc mua đất hai lần.
Về vấn đề này, ông Thắng lý giải người dân đầu tiên mua đất nông nghiệp, thì bây giờ muốn chuyển sang đất ở thì phải đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Vì mục đích sử dụng ban đầu đã khác.
“Nếu mua đất ở mà phải đóng thêm tiền chuyển mục đích sử dụng đất thì mới gọi là đóng hai lần”, ông Thắng nói.
Nguồn: Baodautu.vn