Suốt ba thập kỷ qua, Bình Dương là hình mẫu phát triển năng động của Việt Nam. Từ một tỉnh thuần nông, nơi đây đã vươn lên thành “thủ phủ công nghiệp” phía Nam với hơn 4.000 dự án FDI, hạ tầng đồng bộ và chính sách mở cửa hiệu quả.
Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế đã đạt ngưỡng cao, trọng tâm phát triển đang dịch chuyển từ "số lượng" sang "chất lượng sống". Bình Dương không thể chỉ là nơi làm việc – mà cần trở thành nơi đáng sống và gắn bó lâu dài.
Bối cảnh mới và áp lực dịch chuyển từ công nghiệp sang đô thị tích hợp
Tính đến cuối năm 2024, Bình Dương đạt GRDP bình quân đầu người khoảng 181,2 triệu đồng/năm (tương đương hơn 7.500 USD), tỷ lệ đô thị hóa vượt 85%, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Tổng vốn FDI lũy kế đạt hơn 42,5 tỷ USD với 4.433 dự án từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trên các trục giao thông chiến lược như Quốc lộ 13, Vành đai 3 và tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn, hệ thống khu công nghiệp, logistics và hạ tầng sản xuất phát triển mạnh mẽ – thể hiện rõ tốc độ công nghiệp hóa cao trong suốt ba thập kỷ qua.
Tuy nhiên, cùng với đó là áp lực về chất lượng sống và cơ cấu đô thị. Dân số toàn tỉnh ước khoảng 2,82 triệu người, trong đó hơn 55% là ngườinhập cư. Đáng chú ý, có tới hơn 51.000 lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc lâu dài tại các đô thị lớn như Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một.
Một trong những điểm nghẽn lớn hiện nay là không gian sống chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Nhiều khu dân cư manh mún, thiếu quy hoạch tổng thể, tiện ích rời rạc và hạ tầng chưa đồng bộ. Nhu cầu ngày càng cao về nơi làm việc và chất lượng sống khiến Bình Dương dần mất lợi thế giữ chân cư dân có trình độ – yếu tố then chốt để duy trì sức cạnh tranh lâu dài.
TP. Thuận An – "trái tim mới" của Bình Dương – đang bước vào giai đoạn phát triển chiến lược, cả về quy hoạch lẫn vai trò trong vùng đô thị liên kết phía Nam. Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Thuận An được định hướng trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ hiện đại, kết nối TP.HCM qua các trục giao thông trọng điểm như Vành đai 3, Quốc lộ 13 mở rộng, và tuyến Metro số 1 và 3B dự kiến kéo dài đến Dĩ An và Thuận An.
Bức tranh chuyển mình của Thuận An không bắt đầu từ hiện tại, mà đã được đặt nền móng từ gần 30 năm trước – khi nơi đây là một trong những địa phương đầu tiên đón làn sóng đầu tư công nghiệp tư nhân với sự xuất hiện của các khu công nghiệp như Việt Hương, VSIP.
Nếu giai đoạn từ 1996 là bước khởi đầu cho quá trình công nghiệp hóa, thì hôm nay, Thuận An đang bước sang giai đoạn mới: đô thị hóa trên nền tảng công nghiệp, hướng tới mô hình thành phố công nghiệp – thương mại – dịch vụ tích hợp, có khả năng thu hút chuyên gia quốc tế và tầng lớp cư dân trung lưu gắn bó lâu dài.
Trong dòng chảy đô thị hóa tại Bình Dương, vai trò của các chủ đầu tư nội ngày càng rõ nét. Khi thị trường bước vào giai đoạn sàng lọc, những doanh nghiệp có nền tảng vững, am hiểu địa phương và định hướng dài hạn đang chứng tỏ khả năng thích ứng, đồng thời góp phần dẫn dắt quá trình chuyển đổi đô thị.
Một trong những ví dụ tiêu biểu là Việt Hương Group – doanh nghiệp tư nhân đã đặt nền móng cho công nghiệp hóa Bình Dương từ rất sớm, và nay đang khởi đầu một hành trình phát triển mới trong lĩnh vực đô thị.
Ngay từ những năm 90 Việt Hương đã là một trong những doanh nghiệp tiên phong đầu tư Khu công nghiệp Việt Hương I – khi mà mô hình KCN tư nhân còn rất mới tại Việt Nam. Từ một vùng đất trống tại Thuận An, dự án nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, trở thành hạt nhân phát triển của khu vực suốt hơn hai thập kỷ.
Trên nền tảng đó, Việt Hương Group đã phát triển hệ sinh thái theo hướng mở rộng sang thương mại và dịch vụ hỗ trợ, từng bước hình thành năng lực phát triển đô thị tích hợp. Với dấu mốc mới – cũng là bước chuyển mình mang tính chiến lược – đó chính là quyết định tham gia lĩnh vực phát triển đô thị với tư duy bền vững, chiều sâu, tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong đã hình thành từ những ngày đầu.
Cùng với đó, tỉnh Bình Dương mới đây đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/10.000 và 1/2.000 để chuyển đổi toàn bộ KCN Việt Hương I thành khu dịch vụ thương mại kết hợp nhà ở, phát triển theo mô hình giao thông TOD dọc trục đại lộ Bình Dương – phù hợp với chiến lược hình thành đô thị lõi của TP. Thuận An trong giai đoạn phát triển mới.
Skybridge – tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong với tầm nhìn đô thị mới
Skybridge – một thành viên thuộc hệ sinh thái Việt Hương Group – ra đời như một phần của chiến lược chuyển mình tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong đã có nền móng từ gần 30 năm về trước. Skybridge không đi theo lối mòn bất động sản truyền thống. Thay vào đó, doanh nghiệp này chủ động định vị mình như một nhà phát triển đô thị có tư duy tích hợp, với định hướng rõ ràng đó là xây dựng chuẩn mực sống mới về căn hộ tại Bình Dương, phù hợp với hành vi, nhu cầu và kỳ vọng của thế hệ cư dân mới – năng động, toàn cầu hóa và đề cao chất lượng sống.
Thay vì chọn phát triển dự án từ đầu, Skybridge đã thực hiện một thương vụ M&A chiến lược tại trung tâm TP. Thuận An từ một CDT ngoại tầm cỡ. Sau khi tiếp quản dự án, doanh nghiệp không chỉ đơn thuần tiếp nối mà đã thay đổi toàn bộ định hướng phát triển – từ quy hoạch không gian, tiêu chuẩn xây dựng, đến mô hình quản lý vận hành.
Đáng chú ý là Skybridge đã chủ động làm việc với các đối tác quốc tế có danh tiếng … để cùng nhau xây dựng dự án theo hướng bền vững, đồng bộ, lấy cư dân làm trung tâm. Mục tiêu không chỉ dừng lại ở yếu tố chất lượng công trình, mà còn hướng tới việc hình thành một cộng đồng cư dân nhiều quốc tịch – hiện đại – có khả năng tương tác và phát triển lâu dài tại Bình Dương.
Không gian dự án tọa lạc trong khu đô thị phức hợp hiện hữu quy mô 17,6 ha, nơi đã có đầy đủ các tiện ích cao cấp gồm thương mại, giáo dục, y tế và dịch vụ quốc tế. Với vị trí liền kề AEON Mall Bình Dương, sân golf Sông Bé, showroom Mercedes-Benz, chuỗi nhà hàng, trường học quốc tế…, dự án được đánh giá đạt điều kiện lý tưởng để trở thành nơi sống – làm việc – kết nối cho tầng lớp chuyên gia, doanh nhân trẻ và cư dân quốc tế đang dịch chuyển về Bình Dương.
Hòa nhịp cùng cả nước, Bình Dương đang bước vào một giai đoạn phát triển mới – không chỉ là trung tâm công nghiệp, mà hướng đến trở thành đô thị hiện đại, có bản sắc và khả năng giữ chân cư dân dài hạn. Trong quá trình chuyển mình đó, những doanh nghiệp nội có tiềm lực và tầm nhìn như Skybridge đã và đang đóng vai trò quan trọng khi chủ động dẫn dắt xu hướng phát triển bền vững, tích hợp chú trọng chất lượng sống ngay từ khi bắt tay vào triển khai dự án.
Đề xuất sáp nhập TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa–Vũng Tàu thành một siêu đô thị liên kết vùng sẽ là bước ngoặt mang tính chiến lược. Và chính trong bối cảnh ấy, chỉ những nhà phát triển đã được chuẩn bị kỹ từ hôm nay – cả về tư duy lẫn năng lực quy hoạch – mới đủ khả năng tham gia và tạo dấu ấn trong cuộc chơi đô thị thế hệ mới.
Ánh Dương
Thanh Niên Việt
Nguồn: cafef.vn