Bình Dương hướng đến xây dựng khu công nghiệp, nhà máy xanh

Bình Dương đang xây dựng khu công nghiệp xanh, thông minh, bền vững. Quá trình thu hút đầu tư ưu tiên các dự án xây dựng nhà máy thân thiện với môi trường.

Bình Dương dần dần chuyển đổi xây dựng các khu công nghiệp xanh. Ảnh: Đình Trọng
Bình Dương dần dần chuyển đổi xây dựng các khu công nghiệp xanh. Ảnh: Đình Trọng

Xây dựng các khu công nghiệp thế hệ mới

Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tiếp tục chảy mạnh vào Bình Dương. Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã thu hút hơn 1,6 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 41 tỉ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư cả nước.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư. Để chuẩn bị sẵn hạ tầng sạch đón nhà đầu tư, tỉnh đã chủ động xây dựng các khu công nghiệp (KCN) thế hệ mới. Hướng đi trong xây dựng KCN hiện nay của Bình Dương là xanh - thông minh và bền vững.

Khu công nghiệp VSIP - một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng
Khu công nghiệp VSIP - một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Công ty Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore là doanh nghiệp đi trước trong việc xây dựng những KCN giảm thiểu tác động đến môi trường. Tại Bình Dương, doanh nghiệp này đã phát triển 3 KCN (VSIP I, VSIP II, VSIP II mở rộng) và đều được xem là KCN kiểu mẫu ở Việt Nam. Các KCN VSIP được đầu tư hạ tầng đồng bộ, chọn lọc nhà đầu tư, đặt ra các tiêu chuẩn cao hạn chế tối đa tác động đến môi trường. Những yếu tố này đã khởi đầu cho tầm nhìn xanh trong phát triển công nghiệp tại Bình Dương.

Năm 2022, Liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore tiếp tục khởi công xây dựng KCN VSIP III tại Tân Uyên Bình Dương với diện tích 1.000ha. Đây tiếp tục là 1 KCN kiểu mẫu với các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, an toàn, cơ sở vật chất, tiện ích thông qua việc ứng dụng công nghệ thông minh… Khi hoàn thành đi vào hoạt động, đây sẽ là một KCN đồng bộ, thông minh, xanh, thân thiện với môi trường, mang lại hàng chục nghìn việc làm cho người lao động.

Khu công nghiệp VSIP II mở rộng tại Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng
Khu công nghiệp VSIP II mở rộng tại Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Đáng chú ý, gầy đây Bình Dương tiếp tục xây dựng KCN xanh rộng 700ha tại Bàu Bàng. Ông Võ Anh Tuấn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh đã động thổ khởi động KCN Cây Trường vào ngày 26.9.

Ông Giang Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC - cho biết, hiện các thủ tục pháp lý của KCN Cây Trường đã hoàn tất. Khi đi vào hoạt động, KCN này được định hình là nơi tập trung các doanh nghiệp đa ngành, trong đó ưu tiên sản xuất xanh, đổi mới sáng tạo và sinh thái gắn với bảo vệ môi trường.

Chọn lọc nhà đầu tư, hướng đến sản xuất xanh

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương - cho biết, tỉnh đã và đang tích cực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, xây dựng các KCN, đô thị xanh, thông minh, bền vững, tiến tới kiến tạo các KCN gắn liền với khoa học - công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao.

Đồng thời, tỉnh thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp... Việc thu hút đầu tư nước ngoài, theo định hướng trên cũng sẽ được chọn lọc kỹ lưỡng hơn.

Khu công nghiệp VSIP III đang xây dựng ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng
Khu công nghiệp VSIP III đang xây dựng ở Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Điển hình trong những doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xanh đó là Tập đoàn Lego (Đan Mạch). Theo công bố của Lego, nhà máy của tập đoàn này bắt đầu sản xuất vào năm 2024, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên, sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo.

Ông Preben Elnef - Tổng Giám đốc LEGO Manufacturing Vietnam, Phó Chủ tịch Tập đoàn LEGO cho biết, doanh nghiệp còn thực hiện dự án trồng 50.000 cây xanh xung quanh nhà máy để bù đắp cho những cây đã bị di dời để xây dựng nhà máy. Hiện đã trồng 7 loại cây khác nhau có nguồn gốc tại Việt Nam, để “làm giàu” đa dạng sinh học, tạo sự thuận lợi cho quá trình phát triển “xanh” bền vững.

Nhà đầu tư trồng cây xanh để bù đắp cho những cây đã bị di dời để xây dựng nhà máy. Ảnh: Đình Trọng
Nhà đầu tư trồng cây xanh để bù đắp cho những cây đã bị di dời để xây dựng nhà máy. Ảnh: Đình Trọng

Ngày 26.9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bình Dương thực hiện 3 tiên phong để xây dựng kinh tế xanh. Thứ nhất là kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia và quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh, số hóa; Tiên phong thứ hai là chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Đặc biệt, là số hóa, xanh hóa nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững.

Khu đất xây dựng khu công nghiệp Cây Trường - khu công nghiệp xanh. Ảnh: Đình Trọng
Khu đất xây dựng khu công nghiệp Cây Trường - khu công nghiệp xanh. Ảnh: Đình Trọng

Tiên phong thứ 3 là chủ động, tích cực xây dựng các KCN, cụm công nghiệp thế hệ mới (xanh - số - công nghệ cao - thông minh), tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nguồn: laodong.vn