Bình Dương là địa phương thường đứng top đầu xếp hạng chỉ số cơ sở hạ tầng nhiều năm qua
Theo Báo Cáo PCI 2021, trong năm 2021, Bình Dương là địa phương có kết quả tốt nhất trong Chỉ số Cơ sở hạ tầng.
Các địa phương tiếp theo là Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Hải Dương.
Chỉ số Cơ sở hạ tầng PCI xếp hạng chất lượng cơ sở hạ tầng của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chỉ số Cơ sở hạ tầng không được đưa vào để tính điểm PCI, song đây là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Được xây dựng dựa trên kết hợp nguồn thông tin chính thức của các cơ quan Nhà nước và nguồn thông tin từ khảo sát doanh nghiệp về chất lượng cơ sở hạ tầng, Chỉ số Cơ sở hạ tầng trong PCI 2021 gồm 5 chiều cạnh gồm: (1) Khu công nghiệp, (2) Đường bộ, (3) Điện năng, (4) Viễn thông, và (5) Các hạ tầng khác.
Về khu công nghiệp, hiện nay, số lượng khu công nghiệp Bình Dương đã lên đến 30 khu với tổng diện tích lên đến 12.670,5 ha và tỷ lệ lấp đầy bình quân 87,4%.
Về viễn thông, dự kiến Bình Dương có 285 tuyến đường đầu tư hạ tầng ngầm cáp viễn thông giai đoạn 2021 – 2025, trong đó: 91 tuyến đường thuộc thành phố Thủ Dầu Một, 10 tuyến đường thuộc thành phố Thuận An, 53 tuyến đường thuộc thành phố Dĩ An, 14 tuyến đường thuộc thị xã Bến Cát, 48 tuyến đường thuộc thị xã Tân Uyên, 1 tuyến đường thuộc huyện Bắc Tân Uyên, 34 tuyến đường thuộc huyện Bàu Bàng, 10 tuyến đường thuộc huyện Phú Giáo, 24 tuyến đường thuộc huyện Dầu Tiếng.
Về điện năng, Bình Dương là một trong 4 tỉnh, thành phố có sản lượng điện tiêu thụ lớn nhất cả nước. Trong đó, hơn 70% sản lượng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Theo đó, với phương châm “điện đi trước một bước”, thời gia qua ngành điện đã thực hiện đầu tư hệ thống lưới điện phủ khắp trên toàn địa bàn, bảo đảm cung cấp đủ điện cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, tăng trưởng kinh tế cũng như thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Dương.
Về giao thông đường bộ, năm 2022, tỉnh Bình Dương xác định dồn sức cho đầu tư công, tập trung nguồn lực cho các công trình giao thông mang tính trọng điểm của tỉnh. Cụ thể với các dự án, công trình giao thông mang tính đối ngoại, kết nối vùng, tỉnh Bình Dương tích cực phối hợp với địa phương triển khai nhiều dự án giao thông kết nối vùng tạo động lực cho sự phát triển như: Tuyến Vành đai 4 có tổng chiều dài toàn tuyến 199km, trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 48,3km, quy mô quy hoạch 8 làn xe cao tốc..
Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 92km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 25,92km. Trong đó, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn dài 15,3km đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô, đoạn chưa đầu tư dài 10,62Km. Tổng mức đầu tư là 19.280 tỷ đồng, bằng vốn đầu tư công (50% ngân sách Trung ương, 50% ngân sách địa phương). Dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai dự án…
Bình Dương đang tiếp tục đầu tư, nâng cấp nhằm khai thông, giảm ùn tắc, mở rộng thêm hai làn xe tuyến đại lộ Bình Dương từ giáp ranh TP Hồ Chí Minh đến giáp ranh TP Thủ Dầu Một, chiều dài 12,6 km theo hình thức BOT, tổng mức đầu 1.367 tỷ đồng. Hiện, các đơn vị đang tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị cho lễ khởi công.
Trích nguồn: https://cafef.vn/