Chung cư muốn xếp hạng cao nhất phải có trạm sạc xe điện

Chung cư được xếp hạng cao nhất (hạng 1) theo tiêu chí mới sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó cần có điểm sạc cho xe điện. Điều này không chỉ hướng tới sự phát triển bền vững mà còn là chiến lược chuẩn bị cho tương lai với sự phát triển mạnh mẽ của xe điện.

Chung cư muốn xếp hạng cao nhất phải có trạm sạc xe điện
Quy định chung cư hạng nhất phải có trạm sạc điện cho xe ôtô điện hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Ảnh: Diệu An

Đưa trạm sạc xe điện vào tiêu chí xếp hạng chung cư

Theo Nghị định 95 hướng dẫn chi tiết Luật Nhà ở, từ 1.8, nhà chung cư được phân làm ba hạng theo thứ tự hạng 1, 2 và 3. Chung cư sẽ được xếp hạng dựa trên 8 tiêu chí bắt buộc, gồm vị trí, tiện ích, chỗ đỗ xe, sảnh - hành lang, thang máy, cấp điện, căn hộ và nhóm các tiêu chí theo quy chuẩn xây dựng.

Trong đó, chung cư hạng cao nhất (hạng 1) cần đáp ứng thêm điều kiện về khoảng cách đến công viên hoặc khu vui chơi giải trí. Đồng thời, trong khuôn viên chung cư hạng này phải có khu dịch vụ giáo dục hoặc y tế thể thao, thang máy chở hàng riêng... Riêng về chỗ đỗ xe, cứ hai căn hộ tại dự án hạng 1 cần có tối thiểu chỗ đỗ ôtô (slot) với diện tích tiêu chuẩn 25m2 (tính theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng năm 2021). Đặc biệt, chung cư xếp hạng cao nhất phải có trụ sạc cho xe điện.

Không riêng chung cư, trong Thông tư 09/2024 vừa được Bộ Giao thông Vận tải ban hành cũng quy định kể từ ngày 5.10, tất cả trạm dừng nghỉ mới xây dựng trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ hay đường tỉnh đều bắt buộc phải tích hợp trạm sạc xe điện.

Anh Đỗ Thành Đạt - người dân sinh sống tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) - cho biết, hiện nay nhiều người dân đang có xu hướng chuyển từ xe xăng sang xe điện, đặc biệt ở các thành phố lớn. Nhưng thực tế, không phải chung cư nào cũng có thể bố trí được trạm sạc điện cho ôtô do thiếu diện tích hoặc lo ngại về phòng cháy, chữa cháy…

Chính vì vậy, việc đưa trạm sạc xe điện vào tiêu chí xếp hạng chung cư không chỉ bảo vệ môi trường, nâng cao tiện ích và giá trị bất động sản mà còn xóa bỏ nhiều rào cản đối với những cư dân sắp có nhu cầu và đã sử dụng xe điện.

Phù hợp xu thế xanh hóa và phát triển bền vững giao thông đường bộ

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Mảng dịch vụ Tư vấn & Phát triển dự án - DKRA Group - nhận định - quy định chung cư hạng nhất phải có trạm sạc điện cho xe ôtô điện trong Luật Nhà ở 2023 hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và chính sách của Nhà nước về chuyển đổi năng lượng. Việc bắt buộc có trạm sạc điện sẽ đảm bảo an toàn và thuận tiện cho cư dân sử dụng xe điện. Tuy nhiên, hiện tại số lượng chung cư có trạm sạc điện ở Việt Nam vẫn còn rất ít, chủ yếu chỉ có ở một số dự án của các tập đoàn nước ngoài và dự án của Tập đoàn VinGroup…

“Việc lắp đặt trạm sạc sẽ tăng chi phí đầu tư cho chung cư, nhưng không phải là trở ngại quá lớn. Doanh nghiệp chưa gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, nhưng cần sự hỗ trợ về mặt chính sách và hướng dẫn kỹ thuật từ các cơ quan quản lý. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm tính toán, thiết kế và lắp đặt hệ thống trạm sạc điện phù hợp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn và thẩm định về mặt kỹ thuật, an toàn. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Khi lắp đặt trạm sạc điện, cần đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật về công suất điện, phòng cháy, chữa cháy. Chủ đầu tư cần tính toán và thiết kế hệ thống cơ điện phù hợp để đáp ứng nhu cầu sạc điện. Đồng thời phương án bố trí trạm sạc cũng cần được thẩm định về phòng cháy, chữa cháy” - ông Võ Hồng Thắng chia sẻ.

Tại một cuộc họp hồi tháng 6, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị cần có quy định bắt buộc chủ đầu tư đăng ký xếp hạng chung cư theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và công bố trước khi huy động vốn, mở bán. Theo ông, đề xuất này nhằm hạn chế tình trạng nhiều dự án chung cư gắn mác "cao cấp", "siêu sang" để huy động vốn, bán căn hộ.

Vị chuyên gia này cho biết, theo quy định hiện hành thời điểm đó, chung cư được phân hạng A, B, C dựa trên 4 nhóm tiêu chí gồm quy hoạch - kiến trúc; hệ thống, thiết bị kỹ thuật; dịch vụ, hạ tầng xã hội; chất lượng quản lý, vận hành.

Tuy nhiên, phần lớn chung cư đều được chủ đầu tư tự phong và phân hạng theo giá bán. Đơn cử, chung cư cao cấp hay hạng A là 60-100 triệu đồng/m2, trung cấp (hay hạng B) 45-60 triệu đồng/m2, còn căn hộ bình dân 20-30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, vẫn có một số căn hộ hạng C tại các thành phố lớn được rao bán lên tới 60 triệu đồng/m2.

Nguồn: Laodong.vn