Đòn bẩy giúp bất động sản phía Tây TP HCM chuyển mình

Từ khoảng vài triệu đồng mỗi m2 những năm 2010, giá nhà đất phía Tây bật tăng chục lần nhờ phát triển kinh tế, hạ tầng và tiềm năng của đô thị vệ tinh.

Bất động sản phía Tây, đặc biệt là khu vực tiếp giáp TP HCM như Bến Lức, Long An đang chứng kiến sự chuyển mình. Từ một vùng ven phát triển địa ốc nhỏ lẻ, chủ yếu phân lô bán nền, Bến Lức dần "thay da đổi thịt" trở thành điểm đến của nhiều chủ đầu tư với hàng loạt dự án đô thị quy mô lớn. Thị trường nhà đất cũng trở nên sôi động bậc nhất khu vực.

Sức hút của thị trường mới phát triển

Có lợi thế vị trí khi nằm ở phía Tây TP HCM, tuy nhiên, bất động sản Bến Lức lại đi sau các thị trường giáp ranh khác như Dĩ An hay Biên Hòa. Trước năm 2010, thị trường còn khá trầm lắng. Các dự án phần lớn là phân lô bán nền nhỏ lẻ. Giá đất tại khu vực này cũng ở mức thấp. Theo dữ liệu từ năm 2011, giá đất tại Bến Lức khoảng 3 triệu đồng mỗi m2, thấp hơn phân nửa so với các khu vực giáp ranh như Dĩ An (Bình Dương) với mức giá khoảng 6 triệu đồng.

Sau hơn 10 năm, bất động sản khu vực này hiện nay lại là bức tranh hoàn toàn khác. Theo khảo sát trên nền tảng Batdongsan, giá rao bán đất khu vực này hiện phổ biến trong khoảng 15-20 triệu đồng mỗi m2. Cá biệt, những khu vực có vị trí đẹp, quy hoạch bài bản, thuận tiện kết nối TP HCM còn lên hơn 50 triệu đồng. Địa phương luôn nằm trong nhóm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư khu vực phía Nam.

Về nguồn cung, cùng với Cần Giuộc, Đức Huệ, Bến Lức là thị trường chủ đạo của Long An với các sản phẩm nhà phố, biệt thự, đất nền. Những địa phương này đưa Long An xếp thứ hai khu vực phía Nam về đất nền (chiếm 33%), thứ ba về biệt thự, nhà phố (20,4%) trong năm 2024, theo số liệu của DKRA.

Phối cảnh biệt thự, dinh thự bên trong các đại đô thị Waterpoint. Ảnh: Nam Long
Phối cảnh biệt thự, dinh thự bên trong các đại đô thị Waterpoint. Ảnh: Nam Long

Có nhiều yếu tố thúc đẩy sự chuyển mình của khu vực. Trong đó, với vai trò cầu nối, cửa ngõ, Bến Lức được quy hoạch là đô thị vệ tinh quan trọng của TP HCM, kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ.

Để hiện thực tầm nhìn về đô thị vệ tinh, hạ tầng đóng vai trò tiên phong, khơi thông dòng chảy. Hiện nay, Bến Lức là đầu mối giao thông quan trọng với hàng loạt đường lớn đi qua như cao tốc TP HCM - Trung Lương, quốc lộ 1A, DT 830. Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 dần hoàn thiện, tiến đến thông xe từng phần và toàn tuyến giai đoạn 2025-2026, Vành đai 4 tăng tốc triển khai, tạo trục kết nối quan trọng trong vùng kinh tế phía Nam. Không chỉ giảm tải áp lực giao thông, các công trình này còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế và bất động sản trong khu vực

Một yếu tố khác là phát triển công nghiệp. Đến năm 2030, Bến Lức dự kiến có 13 KCN hiện hữu và mở rộng với diện tích 4.551 ha. Định hướng của tỉnh là phát triển các mô hình công nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hướng đến phát triển bền vững. Điều này giúp tạo động lực thu hút doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, quy hoạch cảng cạn Bến Lức với diện tích 10-15 ha và công suất 150.000 TEU mỗi năm sẽ giúp nâng cao năng lực logistics, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và thu hút đầu tư công nghiệp. Yếu tố này kéo theo lực lượng lao động chất lượng cao, chuyên gia, gia tăng nhu cầu nhà ở, học tập, làm việc.

Diện mạo đô thị "lột xác"

Tiềm năng từ một đô thị vệ tinh đón làn sóng giãn dân với hạ tầng kết nối thuận tiện đã được nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản nhìn thấy. Theo thống kê, Bến Lức hiện nay có hàng chục dự án căn hộ, khu đô thị, khu dân cư. Một số có quy mô lên đến hàng trăm hecta với quy hoạch đa tiện ích.

Waterpoint - một trong số những đại đô thị nổi bật tại phía Tây. Ảnh: Nam Long
Waterpoint - một trong số những đại đô thị nổi bật tại phía Tây. Ảnh: Nam Long

Bên cạnh tạo nguồn cung bất động sản, nhiều dự án còn đóng góp cho sự phát triển kinh tế địa phương với các mô hình trung tâm thương mại, y tế, giáo dục, giải trí. Những tiện ích này vừa phục vụ cư dân nội khu, vừa là điểm đến cho người dân, du khách, tạo nên sự hiện đại, chuyên nghiệp cho bức tranh đô thị khu vực.

Trong số này, Waterpoint do Nam Long và Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) phát triển được xem là cái tên tiên phong trong việc kiến tạo đô thị bền vững phía Tây TP HCM. Chủ đầu tư đã nhắm khu đất 355 ha bên sông Vàm Cỏ Đông từ những năm 2000 - khi thị trường tại đây vẫn sơ khai. Đến nay, qua hơn 20 năm, Waterpoint đang ngày càng rõ nét dáng hình của một khu đô thị tích hợp, điểm đến văn hóa - thể thao - giải trí nổi bật tại khu vực.

Dự án đóng vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng sống xanh và phát triển đô thị bền vững tại Bến Lức. Ba mặt khu đô thị được bao bọc bởi 5,8km đường sông Vàm Cỏ Đông. Từ đây, chủ đầu tư quy hoạch trên tinh thần "tôn trọng và giữ gìn thiên nhiên", dẫn nước qua 8 km kênh đào để tạo cảnh quan len lỏi các phân khu. 95 ha diện tích là không gian cây xanh, mặt nước. Vùng đệm 50 mét tính từ bờ sông được giữ nguyên, bảo tồn giá trị tự nhiên vốn có của dòng sông.

Loạt tiện ích hiện đại đã đi vào vận hành bên trong đại đô thị Waterpoint. Ảnh: Nam Long
Loạt tiện ích hiện đại đã đi vào vận hành bên trong đại đô thị Waterpoint. Ảnh: Nam Long

Lợi thế của Waterpoint còn nằm ở vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp với các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, cao tốc TP HCM - Trung Lương, Vành đai 3, Vành đai 4 trong tương lai, giúp nâng cao khả năng kết nối liên vùng liền mạch.

Song hành cùng chiến lược phát triển để trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực là lộ trình hoàn thiện và mở rộng hệ sinh thái tiện ích đô thị của Nam Long. Nội khu Waterpoint đã hiện hữu trường học quốc tế, phòng khám đa khoa, siêu thị thực phẩm, nhà hàng địa phương, làng văn hóa Việt - Nhật, tổ hợp thể dục thể thao, các câu lạc bộ cộng đồng (clubhouse)... Theo chủ đầu tư, loạt tiện ích này qua nhiều năm đã góp phần kiến tạo cuộc sống hạnh phúc và giàu sức khỏe cho mọi thế hệ cư dân. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội được duy trì đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc, vui chơi của cư dân và cộng đồng.

Hành trình phát triển của Waterpoint đồng hành cùng quá trình "lột xác" của diện mạo đô thị khu vực, góp phần đánh thức tiềm năng của vùng đất cửa ngõ phía Tây.

 

Hoài Phương

Nguồn: Vnexpress.vn