Dự án Vành đai 3 đoạn qua Long An dẫn đầu về tiến độ

Duyệt quy hoạch khu đô thị du lịch lấn biển 2.870ha tại Cần Giờ; Các khu công nghiệp của Long An hút gần 2.000 dự án; Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn Long An đang làm tới đâu... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa
Hình minh họa

Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn Long An đang làm tới đâu?

Thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, đến thời điểm hiện tại, dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh tiến độ thi công đạt và vượt các mốc tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, phấn đấu thông xe nút giao cuối tuyến phần kết nối với dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vào cuối năm.

Theo đó, dự án thành phần 7 – Xây dựng Đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh đang được triển khai thi công với 3 gói thầu chính gồm gói XL1, XL2 và XL3. Đến cuối tháng 9, khối lượng thi công toàn dự án đạt khoảng 50%.

Trong đó, gói XL1 đang triển khai 7 mũi thi công đường công vụ và đường cao tốc. Hiện hoàn thành đường công vụ đoạn từ đường An Thạnh – Tân Bửu vào đến đầu tuyến đạt 4.200/4.310m; đối với đoạn đường cao tốc, hiện thi công hoàn thành đắp cát tạo mặt bằng cắm bấc thắm và đang triển khai bơm hút chân không được 3.214,65/3.214,65m; đắp cát gia tải 3.040/3.214,65m; đóng cừ tràm gia cố nền và đắp cát phủ đầu cừ 317/317m; cọc đất gia cố Xi măng 5.649/19.226md cọc và thi công cầu rạch Rích hoàn thành 2/2 mố và 2/2 trụ. Giá trị thực hiện gói thầu đạt 38%.

Các khu công nghiệp của Long An hút gần 2.000 dự án

Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Long An, hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút gần 2.000 dự án, trong đó gần 1.000 dự án FDI và 953 dự án trong nước.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, các khu công nghiệp thu hút đầu tư 96 dự án, gồm 75 dự án FDI và 21 dự án trong nước. Tổng vốn đầu tư cấp mới là hơn 540 triệu USD và hơn 1.227 tỉ đồng, diện tích 28,39ha. Thực hiện điều chỉnh vốn 84 dự án, trong đó, 68 dự án FDI với tổng vốn điều chỉnh tăng hơn 134 triệu USD; 16 dự án trong nước với tổng vốn điều chỉnh tăng hơn 326 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp thực hiện chấm dứt 31 dự án, trong đó 15 dự án trong nước chấm dứt với tổng vốn đầu tư 1.785 tỉ đồng và 16 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.

Mới đây, Sở Công Thương tỉnh Long An vừa công bố thông tin quy hoạch các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030 nhằm thu hút đầu tư.

Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Long An có 51 KCN, quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm...

Duyệt quy hoạch khu đô thị du lịch lấn biển 2.870ha tại Cần Giờ

Dự án sẽ được triển khai trên diện tích khoảng 2.870 héc ta, chủ yếu tập trung tại vùng đất thấp ven biển thuộc xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được quy hoạch với mục tiêu phát triển một khu đô thị du lịch biển hiện đại, gồm các phân khu chức năng như khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, khu đô thị thông minh và khu dịch vụ công nghệ cao.

Dự án sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, nhằm thu hút khoảng 8,8 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Quy mô dân số của khu đô thị được phân bổ hợp lý giữa các phân khu, với tổng số dân tối đa là 228.560 người. Cụ thể, phân khu A sẽ có khoảng 59.027 người, phân khu B khoảng 75.000 người, phân khu C khoảng 41.364 người và phân khu D khoảng 53.115 người.

Công ty Cổ phần đô thị Du lịch Cần Giờ được giao nhiệm vụ hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết, bao gồm các giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập phương án quy hoạch chi tiết và trình thẩm định phê duyệt.

Theo quy hoạch, phân khu A có diện tích khoảng 965,23 héc ta, được xây dựng thành khu ở sinh thái gắn với dịch vụ du lịch khu vực cửa ngõ khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Thường trực Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng gói tín dụng ưu đãi để khôi phục sản xuất sau bão lũ

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.

Trước mắt, triển khai ngay các nhiệm vụ sau để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu thiệt hại do bão lũ:

(i) Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để kịp thời, chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão lũ theo quy định của pháp luật;

(ii) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra;

(iii) Xem xét, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong tháng 9 năm 2024 đối với kiến nghị của các ngân hàng thương mại cổ phần tại cuộc họp về việc sửa đổi, ban hành quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Nguồn: baoquankhu7.vn