Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đặc biệt, khi ba luật liên quan đến thị trường bất động sản có hiệu lực sớm từ 1.8.2024 sẽ hỗ trợ thúc đẩy tiến độ phát triển dự án và gia tăng nguồn cung nhà ở mới.
Tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang duy trì, chờ đợi những nút thắt được tháo gỡ để thực sự khỏe trở lại. Đặc biệt từ ngày 1.8 tới đây, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực sớm hơn năm tháng so với quyết định trước đó. Khi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bắt đầu rục rịch chuyển động, các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia của VARS cũng lưu ý nguy cơ phát sinh mâu thuẫn nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ và liên kết được đầy đủ với các điều luật và/hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Khi vấn đề này xảy ra, chắc chắn sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của các nghị định này tới tiến trình phục hồi của thị trường. Các bộ luật mới chắc chắn sẽ mang đến những tác động tích cực cho thị trường nhưng cũng sẽ là bộ lọc loại bỏ các chủ thể không đủ năng lực ra khỏi cuộc chơi.
Do đó, VARS kiến nghị, ngoài việc cần thực sự quyết tâm để Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8.2024, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng nghiên cứu, ban hành các Thông tư, Nghị định hướng dẫn chi tiết, trải đường sẵn để các Bộ luật có cơ hội được thực thi ngay khi chính thức có hiệu lực.
Để đảm bảo mọi cá nhân, tổ chức liên quan đều nắm đúng, đủ và kịp thời hành lang pháp lý mới, cần nâng cao công tác phổ biến kiến thức pháp luật thông qua việc khuyến khích tổ chức các Hội nghị, Hội thảo, chương trình phổ biến cơ chế, chính sách. Đồng thời, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo không tạo ra khoảng trống hay kẽ hở pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện.
Điểm đáy của thị trường bất động sản đã qua
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng Giám đốc G-Home - cho biết, hiện tại thị trường bất động sản “hân hoan” đón chờ 3 Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai sắp có hiệu lực vào ngày 1.8.
“Ngoài những tác động tích cực, 3 luật này cũng sẽ có những “tác dụng phụ” đến các thành phần trong thị trường. Đơn cử, những doanh nghiệp không đủ tài chính, kinh nghiệm và chỉ trục lợi về mặt địa tô sẽ rất khó để tồn tại. Ngược lại, những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, có quỹ đất tốt, hứa hẹn tung ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực của thị trường có thể hoạt động tốt trong thời gian tới. Sau quá trình này, thị trường bất động sản sẽ phát triển lành mạnh, bền vững và minh bạch hơn” - ông Nguyễn Hoàng Nam cho hay.
Đánh giá về thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm, TS Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường BĐS Việt Nam, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM nhu cầu về nhà ở phục vụ nhu cầu thực sẽ tiếp tục được quan tâm với nhu cầu lớn. Đơn cử, giá phân khúc chung cư sẽ tiếp tục tăng ở các thành phố lớn.
Ngoài ra, những phân khúc bất động sản mang tính chất đầu cơ sẽ vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là những dự án bị vướng về pháp lý.
Ông Lê Bảo Long - Giám đốc Chiến lược PropertyGuru Việt Nam - cho biết, đối tượng chính tìm mua bất động sản trong thời gian tới là các gia đình trẻ, đặc biệt là những cặp vợ chồng son. Theo khảo sát của PropertyGuru Việt Nam, 73% những người đã kết hôn nhưng chưa có con dự định mua nhà trong 1 năm tới. Trong khi người độc thân ưu tiên không gian làm việc khi lựa chọn bất động sản thì những người đã lập gia đình quan tâm nhất đến tiện ích về trường học và trung tâm, cửa hàng mua sắm. Xu hướng tìm mua bất động sản thứ cấp đang tăng lên so do nguồn cung sơ cấp ít trong khi giá mở bán các dự án sơ cấp neo cao.
Nguồn: Laodong.vn