Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, đến năm 2030, Tp.HCM giữ các đơn vị hành chính như hiện nay và 5 huyện sẽ đạt đô thị loại 3. Đến năm 2030-2040, các đơn vị hành chính này sẽ được tổ chức lại thành 5 vùng đô thị: vùng trung tâm, vùng Thủ Đức, khu Nam, khu Tây Bắc, khu Tây Nam.
Mới đây, Sở QH-KT TP.HCM có báo cáo gửi Sở Nội vụ TP về tiến độ thực hiện Đề án khoa học Định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành Tp.HCM. Đề án này là đề án nhánh thuộc đề án “Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030.
Theo Sở QH-KT Tp.HCM, 5 huyện Tp.HCM khi lên quận hoặc thành phố, cơ hội đột phá sẽ đến ở khả năng thu lại giá trị gia tăng từ đầu tư hạ tầng, qua đó làm tăng giá trị đất ở 5 huyện này.
Được biết, tổng nguồn lực Nhà nước được phân bổ đầu tư hạ tầng cho các huyện ngoại thành (có dự báo phân bổ tăng thêm khoảng 8-10%) cho giai đoạn 2021-2030 dự kiến là 91.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các huyện sẽ có cơ hội thu hút đầu tư tư nhân 110.000 tỉ đồng. Tổng cộng cả đầu tư Nhà nước và tư nhân sẽ vào khoảng 200.000 tỉ đồng.
Trong đó, thu hút vốn tư nhân tập trung vào phát triển khu đô thị mới, còn vốn Nhà nước vào hạ tầng khung và cải tạo các khu vực hạ tầng cũ chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là cho vấn đề thoát nước và chỉnh trang các khu ở thu nhập thấp.
Việc khai thác hiệu quả khả năng kết nối nhanh từ các dự án hạ tầng chiến lược như đường cao tốc đi Mộc Bài, vành đai 3 và 4 trong giai đoạn trước 2030 và đường sắt đô thị tuyến số 2, số 3 là cơ sở để hình thành không gian lan tỏa theo các vành đai và hành lang. Cụ thể là vành đai cho Bình Chánh, Củ Chi, và Hóc Môn, quốc lộ 50 và kết nối cầu Thủ Thiêm 4, Bến Nghé cho Nhà Bè và khu Nam.
Hiện nay, huyện Bình Chánh đang có kế hoạch đầu tư nhiều công trình trọng điểm. Để đạt tiêu chí hạ tầng của đô thị loại III, huyện này có một số rào cản khá lớn về mặt đáp ứng tiêu chí mật độ đường giao thông/tổng diện tích đất xây dựng cùng với mật độ đường cống thoát nước chính còn thấp.
Huyện Cần Giờ với định hướng tiến ra biển Đông, Tp.HCM sẽ triển khai đầu tư các tuyến đường lớn từ nội thành xuống Cảng công nghiệp Hiệp Phước theo quy hoạch giúp tăng cường kết nối dọc xuống tới địa bàn huyện Cần Giờ.
Với huyện Củ Chi, cần khoanh vùng đô thị để áp dụng tiêu chuẩn linh hoạt và phù hợp với nguồn lực, tài nguyên sẵn có. Đây là giải pháp để cải thiện và nâng chất đô thị hóa vùng ven của huyện. Tại các khu vực có mật độ dân số tăng nhanh cần áp dụng cơ chế điều chỉnh đất đai để bổ sung nguồn lực cho cải thiện hạ tầng giao thông, thoát nước, và một số công trình công cộng khác.
Về huyện Hóc Môn giải pháp bứt phá, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của huyện Hóc Môn nằm ở việc đầu tư vào các dự án kết nối nhanh, trong đó, việc chuẩn bị để tạo cơ hội bứt phá cần phải gấp rút thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.
Huyện Nhà Bè cần khoanh định các khu vực ưu tiên phát triển nhanh còn lại giúp lan tỏa giá trị từ khai thác năng lực của hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn và kết nối nhanh (các khu vực TOD).
Theo ước tính ban đầu, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 cho 5 huyện ven Tp.HCM là 242.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 132.000 tỷ, vốn huy động tư nhân 110.000 tỷ. Con số này do nhóm nghiên cứu và tư vấn Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đưa ra từ các nghiên cứu thực tiễn và dự báo.
Tiểu Bảo
Nguồn: markettimes.vn