Giá nhà mãi tăng khiến người mua bị áp lực

Giá nhà ở thương mại tại TPHCM của dự án mở bán sau cao hơn dự án trước và duy trì đà tăng trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.

Giá nhà mãi tăng khiến người mua bị áp lực
Giá nhà ở trong hai quý đầu năm đã tăng hơn 25%. Ảnh: Bảo Chương

Thị trường căn hộ chung cư TPHCM trong quý II/2024 cũng không nằm ngoài xu thế tăng giá. Theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thị trường thì biến động giá rao bán căn hộ chung cư TPHCM phân khúc trung cấp (giá 35-55 triệu đồng/m2) tăng 2%; cao cấp (giá trên 55 triệu đồng/m2) tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng thời, giá bán của các dự án chung cư đã qua sử dụng ở TPHCM cũng có xu hướng tăng, nhất là khu vực nội thành. Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động ở một số dự án căn hộ như chung cư City Garden (quận Bình Thạnh) rao bán trung bình 85 triệu đồng/m2, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái; dự án Antonia (Quận 7) và Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) lần lượt tăng 11% và 10%; dự án Eco Green Sài Gòn (Quận 7) tăng khoảng 6,8% (lên mức 61,1 triệu đồng/m2), Jamona Heights (Quận 7) tăng khoảng 5,9% (lên mức 42,6 triệu đồng/m2)…

Giá dự án mở bán sau cao hơn dự án trước và duy trì đà tăng trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Điều này phản ánh mức độ hạn chế của nguồn cung sản phẩm nhà ở trên thị trường và tiềm năng tăng giá tại vị trí hay khu vực của dự án trong tương lai. Và cũng chính vì vậy mà hiện nay, dù lãi suất vay hạ nhưng người có nhu cầu vẫn ngại vay vì giá nhà quá cao so với thu nhập.

Vốn tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản còn khá chậm dù đã tích cực hơn trong nửa đầu năm nay. Không ít ngân hàng cho biết, tín dụng nhà ở khó tăng, dù lãi suất giảm chỉ còn 5-6%/năm trong 6 tháng hoặc năm đầu tiên, sau đó cộng biên độ 3,5-4,5%/năm.

Theo dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong 6 tháng đầu 2024, tín dụng tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 1,2% cho thấy, dù các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà ưu đãi, nhưng người dân vẫn còn tâm lý thận trọng trong vay vốn.

Ngay cả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước đến đầu tháng 7.2024, tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 1%. Trong đó, số tiền giải ngân cho chủ đầu tư là khoảng 1.202 tỉ đồng tại 12 dự án, còn người mua nhà chỉ vay 32 tỉ đồng tại 5 dự án. Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ giải ngân khách hàng cá nhân thấp là do điều kiện mua nhà còn khắt khe, chưa có nhiều hộ đủ điều kiện để vay mua nhà.

TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital - cho biết, hiện tỉ lệ giá nhà ở trên thu nhập của người dân Việt Nam đã tăng và đang ở mức khá cao so với các nước phát triển, thậm chí so với nước đang phát triển. Dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm tích cực trong một năm qua, nhưng do giá nhà vẫn neo ở mức cao, chưa có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực nên dù có nhu cầu về nhà ở cá nhân vẫn khó vay mua.

"Với những chính sách mới, đặc biệt là 3 Luật về bất động sản gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1.8, đang được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng nguồn cung. Song song đó, mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp sẽ kích thích nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản cũng như nhà đầu tư và người mua nhà... Đây chính là nền tảng dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng cũng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới" - TS Nguyễn Duy Phương nêu quan điểm.

Nguồn: Laodong.vn