Do thiếu hụt nguồn cung nên giá bán của nhiều căn nhà ở xã hội tuy đã qua sử dụng vẫn đang được đẩy lên khá cao.

Nhiều người lao động đã không khỏi giật mình với mặt bằng giá của các căn nhà ở xã hội đã qua sử dụng. Chị Bích Tuyết (ngụ ở Quận 12) cho biết, chị có nhu cầu tìm mua một căn hộ có giá bán dưới 2 tỉ đồng nên tìm hiểu các dự án nhà ở xã hội đã qua sử dụng, mong mua được một căn với giá vừa túi tiền.
Mới đây, môi giới tư vấn cho chị căn hộ 60 m2 tại dự án Topaz Home tọa lạc trên đường Phan Văn Hớn (Quận 12) với giá 2,1 tỉ đồng. Được biết, thời điểm mới ra mắt vào năm 2016, giá căn hộ tại đây chỉ khoảng 14-16 triệu đồng/m2. Hiện tại, các căn hộ tại dự án này được chào giá 33-35 triệu đồng/m2 (chưa thuế, phí).
Khảo sát thị trường cũng nhận thấy, hầu hết dự án nhà ở xã hội tại TPHCM dù đã sử dụng nhiều năm vẫn đều đặn tăng giá. Đơn cử như dự án nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức được mở bán năm 2017 với giá 18-22 triệu đồng/m2. Sau khi bàn giao năm 2022, giá sang tay thứ cấp tăng lên gần 30 triệu đồng/m2. Đến nay, các căn hộ tại đây đang được giao dịch với mức giá từ 33-36 triệu đồng/m2. Hay như dự án chung cư Vĩnh Lộc D'Gold ở Bình Chánh năm 2017 có giá 16 triệu đồng/m2, nay rao bán 24-26 triệu đồng/m2...
Xu hướng tăng giá thứ cấp nhà ở xã hội tại TPHCM được giới chuyên gia đánh giá là tất yếu trong bối cảnh thành phố đang thiếu hụt nguồn cung. Bên cạnh đó, giá chung cư TPHCM nói chung cũng đang trên đà tăng phi mã, trung bình 15-20% mỗi năm. Mỗi m2 căn hộ bình dân năm 2015 có giá 25-35 triệu đồng, đến năm 2023 đã lên 40-60 triệu đồng; căn hộ trung cấp từ 35-50 triệu đồng, đến năm 2023 cũng lên 50-70 triệu đồng/m2; riêng dòng cao cấp từ 50 triệu đồng lên 70-100 triệu đồng/m2...
Được biết, theo chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ giao, đến năm 2030, TPHCM phải hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội. Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, đến nay, thành phố mới hoàn thành và đưa vào sử dụng 5 dự án nhà ở xã hội với hơn 2.300 căn hộ, cùng một phần dự án nhà lưu trú công nhân quy mô 368 căn. Để đạt chỉ tiêu đã đăng ký, trong giai đoạn 2026-2030, thành phố đặt mục tiêu mỗi năm hoàn thành từ hơn 9.400 đến hơn 28.000 căn nhà ở xã hội.
TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao về tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam - cho biết, một số thị trường trên thế giới đã tập trung phát triển nhà ở xã hội và có những chính sách đối với vấn đề này để đảm bảo nguồn cung nhà ở cho thị trường.
Tại Việt Nam, thời gian vừa qua, Chính phủ đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội thông qua Đề án nhà ở xã hội và Quỹ nhà ở quốc gia. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở quá lớn, quỹ đất lại hạn hẹp nên đây là bài toán rất khó.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra sự chênh lệch cung - cầu, cùng với quy hoạch chưa đồng bộ, khiến nhà ở xã hội khó đến được tay người thực sự có nhu cầu. Theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân nên đạt từ 25-30 m²/người ở các đô thị loại I nhưng thực tế hiện tại vẫn chưa đáp ứng được.
Để phát triển nhà ở xã hội bền vững, ông Khương khuyến khích cần xác định rõ quỹ đất và giao cho nhà đầu tư phát triển theo hình thức KPI (chỉ số đánh giá kết quả thực hiện công việc), giữa chính phủ và doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục pháp lý, tín dụng và biên lợi nhuận.
“Nếu có thể gỡ bỏ được những yếu tố này, đặc biệt là việc hỗ trợ nguồn vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp cũng như người dân trong nhóm đối tượng được mua nhà và có những cơ chế đặc thù để họ vượt qua, thì mới đảm bảo được nguồn cung” - ông Khương nói.
Theo Bảo Chương
Nguồn: laodong.vn