Gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội

Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều cách làm để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản, các thành phần kinh tế tham gia tích cực vào xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, tiến độ xây dựng loại hình căn hộ này ở hầu hết các địa phương đều rất chậm.

Gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội
Tiến độ xây dựng nhà ở xã hội vẫn còn chậm. Ảnh: Cao Nguyên

Tiến độ xây dựng nhà ở xã hội còn chậm

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, liên quan đến chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, hiện có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay (nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỉ đồng).

Đến thời điểm này, tại 5 địa phương với 6 dự án NƠXH được giải ngân số vốn khoảng 415 tỉ đồng. Thực tế này cho thấy, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng nói trên còn chậm so với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc NƠXH, nhà ở cho công nhân.

Ghi nhận ở một số địa phương trọng điểm có nhu cầu lớn về NƠXH cho thấy, mức đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu.

Tại TPHCM có 7 dự án với 4.996 căn NƠXH đáp ứng 19%; Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn NƠXH, đáp ứng 9%, hay một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay là Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An…

Tính đến ngày 30.7.2024, cả nước đã triển khai 619 dự án NƠXH với quy mô 561.816 căn. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã hoàn thành 8 dự án (4 dự án hoàn thành toàn bộ, 4 dự án hoàn thành một phần) với quy mô 3.136 căn; 5 dự án được cấp phép khởi công với quy mô 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, quy mô 8.795 căn. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 1 triệu căn hộ đến năm 2030, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Mới đây nhất, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt 85 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị và 5 dự án NƠXH. Theo danh mục các dự án phát triển, đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị (đợt 3) giai đoạn 2021 - 2025 gồm 85 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại và 5 dự án NƠXH.

Từ thực tế triển khai NƠXH nêu trên, một số ý kiến chuyên gia nhận định rằng, tiến độ xây dựng 130.000 căn NƠXH trong năm 2024 còn rất chậm, nếu không đẩy nhanh sẽ khó đạt mục tiêu.

Vì sao doanh nghiệp không mặn mà?

Đề cập đến “nút thắt” cản trở sự phát triển NƠXH, lãnh đạo của 1 đơn vị xây dựng phân tích, thông thường, kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện và trải qua quy trình 5 bước. Thế nhưng, lợi nhuận định mức của dự án NƠXH tối đa theo quy định chỉ khoảng 10%, mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm. Doanh nghiệp đầu tư làm NƠXH gặp nhiều rắc rối, khó khăn sẽ dần mất động lực để làm các dự án tiếp theo.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho rằng, mặc dù việc phát triển dự án NƠXH đang được tạo nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn vốn... hệ thống cơ sở pháp lý có hiệu lực đã tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”. Nhưng thực tế các doanh nghiệp thực hiện dự án NƠXH còn gặp nhiều vướng mắc về tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, tiếp cận nguồn vốn từ gói vay ưu đãi 120.000 tỉ đồng…

Để tháo gỡ khó khăn TP Hà Nội cần rà soát quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng NƠXH, làm việc với chủ đầu tư cùng giải quyết các dự án nhà thương mại tồn đọng, nếu có thể cho điều chỉnh cơ cấu căn hộ và chuyển đổi sang NƠXH.

Để giải bài toán mất cân đối cung - cầu, cần sớm hình thành quỹ đầu tư NƠXH nhằm giải quyết nguồn vốn, từ đó hình thành quỹ nhà, giúp bình ổn thị trường, tiếp tục phát triển loại hình nhà ở này.

Nguồn: Laodong.vn