Nhu cầu sở hữu căn hộ có giá dưới 2 tỉ đồng tại TPHCM rất lớn, trong khi nguồn cung căn hộ mới năm 2024 hạn chế. Điều này đẩy giá bán nhà lên cao, khiến nhiều người rơi vào tình trạng khó khăn trong tìm kiếm nơi an cư phù hợp.
Giá căn hộ đạt ngưỡng gần 500 triệu đồng/m2
Theo báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TPHCM và vùng phụ cận quý III/2024 của DKRA, nguồn cung sơ cấp phân khúc căn hộ toàn thị trường ghi nhận 13.408 căn, giảm 17% so với cùng kỳ, các dự án tập trung phân bổ tại 2 thị trường TPHCM chiếm 57% và Bình Dương 38%.
Lượng tiêu thụ 2.671 căn, giảm 39% so với cùng kỳ, phần lớn do không có nhiều dự án mới mở bán cũng như ảnh hưởng từ tâm lý chờ từ người mua.
Các giao dịch tập trung ở những dự án tầm trung có mức giá từ 40-55 triệu đồng/m2 tại TPHCM, từ 30-35 triệu đồng/m2 tại Bình Dương, phần lớn ở các dự án đã hoàn thiện pháp lý, tiến độ xây dựng nhanh chóng. Đáng chú ý, giá bán sơ cấp căn hộ tại TPHCM cao nhất lên tới 493 triệu đồng/m2, trong khi Bình Dương cao nhất chỉ 60 triệu đồng.
DKRA Group cho hay, giá bán sơ cấp vẫn duy trì ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào phát triển dự án, đồng thời được kích cầu bằng nhiều chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, ân hạn gốc, lãi vay... Giá bán thứ cấp tăng 5 - 9% so với cùng kỳ, tập trung các dự án đã bàn giao nhà, có sổ, vị trí thuận tiện kết nối về trung tâm.
Với việc nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông chuẩn bị mở bán, nguồn cung mới trong quý IV được DKRA dự báo sẽ tăng so với quý III/2024, dao động khoảng 4.000-6.000 căn, tập trung chủ yếu ở TPHCM và Bình Dương. Phân khúc căn hộ hạng A tiếp tục giữ vị thế chủ đạo tại TPHCM, trong khi phân khúc hạng B và C dẫn dắt nguồn cung mới tại thị trường các tỉnh giáp ranh.
Về giá bán sơ cấp nhà phố - biệt thự tại TPHCM cao nhất lên tới 700 tỉ đồng/căn, thấp nhất là 5,3 tỉ đồng, trong khi Đồng Nai cao nhất là 228,5 tỉ đồng, thấp nhất 2,2 tỉ đồng.
Bảng giá đất mới sẽ khiến giá tăng mạnh
Theo quan sát diễn biến của thị trường bất động sản, sau khi bảng giá đất mới được TPHCM ban hành và áp dụng chính thức, mặt bằng giá đất nền thổ cư, đất có giấy chứng nhận đã tăng cao.
Quan điểm của một số chuyên gia, bảng giá đất mới trong ngắn hạn tăng nhiều sẽ tác động tâm lý đan xen giữa tích cực và tiêu cực.
Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng thu hẹp, thời gian tới, các chủ đầu tư đi mua quỹ đất mới phải tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng thì chi phí giá đất sẽ tăng và chi phí này sẽ được tính vào giá bán, từ đó đẩy tăng giá thành sản phẩm.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital có quan điểm cho rằng, không đợi đến khi bảng giá đất mới ban hành thị trường mới có phản ứng tăng giá, mà câu chuyện giá sản phẩm bất động sản đã không ngừng tăng thời gian qua, kể cả lúc thị trường gặp khó khăn về thanh khoản.
Nhu cầu nhà ở ngày càng tăng, nhưng để làm được dự án lúc này lại quá khó khăn, một phần vì khó tìm được quỹ đất để phát triển dự án, phần khác do thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý dự án kéo dài, trong khi các chi phí đầu vào như chi phí nguyên vật liệu xây dựng, chi phí nhân công, chi phí lãi vay, tiền đất… đều tăng cao. Dù vậy, với việc bảng giá đất mới được ban hành theo giá thị trường sẽ khiến chi phí đầu tư ngày càng đắt đỏ. Do đó, khó trông chờ giá bất động sản sẽ giảm, mà chỉ có ngày càng tăng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, bảng giá đất điều chỉnh chưa tác động ngay đến thị trường bất động sản do các dự án hiện được định giá đất chủ yếu theo phương pháp thặng dư. Tuy nhiên, giá đất mới sẽ tác động đến thị trường ở “pha 2”, khi doanh nghiệp bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án và lúc này, người dân có tâm lý muốn bán đất với giá cao hơn trước đây, dẫn đến áp lực tăng giá nhà.
"Do vậy, Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát hiệu quả hoạt động của giới đầu nậu, “cò” đất… tránh việc lợi dụng bảng giá đất mới để “thổi giá”, làm nhiễu loạn thị trường nhằm mục đích trục lợi bất chính", ông Châu nêu quan điểm.
Nguồn: laodong.vn