'Không được dùng giá đất ở để tính thuế đất thương mại'

Luật Đất đai 2013 và 2024 đều không quy định lấy giá đất ở để tính thuế đất thương mại dịch vụ, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Gần đây, một số doanh nghiệp phản ánh rằng, các văn bản hướng dẫn Luật đã xác định giá đất thương mại dịch vụ bằng cách sử dụng giá đất ở cùng khu vực, vị trí nhân với 70-80%. Điều này dẫn đến giá loại đất thương mại có mức cao, gây khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Sáng 10/10, trả lời VnExpress về vấn đề này, thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định cả Luật Đất đai năm 2013 và 2024 đều không có quy định xác định giá đất thương mại dịch vụ dựa trên giá đất ở mà bắt buộc quy định cụ thể giá của loại đất này trong Bảng giá đất.

Về việc xuất hiện tình trạng trên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng là do phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Bộ sẽ tiếp tục ghi nhận, tiếp thu và quan tâm nội dung này để rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời những vướng mắc để tiếp tục điều chỉnh các chính sách liên quan nhằm triển khai tốt nhất Luật Đất đai 2024 trong thời gian tới.

Theo đó, Thứ trưởng dẫn chứng khi thực hiện Luật Đất đai 2013, Chính phủ quy định Bảng giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị và nông thôn là hai nội dung bắt buộc trong Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.

Đồng thời, Luật chỉ cho phép đất sử dụng vào các mục đích công cộng, xây dựng trụ sở cơ quan,... thì UBND cấp tỉnh mới căn cứ vào giá đất ở tại khu vực lân cận, để quy định mức giá đất.

Với Luật Đất đai 2024, Bảng giá đất do HĐND cấp tỉnh quyết định cũng sẽ quy định về giá đất đã xác định giá đất thương mại, dịch vụ riêng.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân. Ảnh: Monre
Thứ trưởng Lê Minh Ngân. Ảnh: Monre

Liên quan quyền thế chấp, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng Luật Đất đai 2024 quy định doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất có quyền thế chấp nhưng lại chưa có hướng dẫn thi hành dẫn đến gặp khó trong việc xác định chủ thể nhận thế chấp khi huy động trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản.

Thứ trưởng Ngân giải thích, điểm Đ điều 33 luật này đã quy định, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng, cho thuê đất thu tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê, có quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng.

Tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền hàng năm, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có quyền thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.

Việc thế chấp phải đáp ứng đầy đủ điều kiện như có một trong các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật...

"Như vậy, Luật Đất đai đã có hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ để các doanh nghiệp thực hiện quyền thế chấp liên quan đến quyền sử dụng đất", thứ trưởng Ngân khẳng định.

Ông nói thêm, đối với việc thế chấp khi huy động trái phiếu có tài sản đảm bảo là bất động sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai mà thuộc phạm vi của Luật các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng Luật Đất đai 2024 quy định các phương thức tiếp cận đất đai với các dự án, trong đó có dự án lĩnh vực y tế, giáo dục rất đa dạng, linh hoạt phụ thuộc vào tình hình thực tế triển khai, vừa có những phương thức mang tính hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư như giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu...

"Việc tiếp cận quyền sử dụng đất của nhà đầu tư trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế, giáo dục theo hướng mở rộng hơn, tạo ra được môi trường công khai, minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai...", thứ trưởng Ngân chia sẻ.

Gia Chính

Nguồn: Vnexpress.vn