Lời giải cho nguồn cung của thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản vào thời điểm này được đánh giá có nhiều yếu tố hỗ trợ để chính thức bước vào giai đoạn hồi phục.

Lời giải cho nguồn cung của thị trường bất động sản
Các luật mới được áp dụng sẽ giúp cải thiện nguồn cung nhà ở. Ảnh: Nam Long

Các phân khúc trên thị trường bất động tại TPHCM trong 6 tháng đầu năm đang ghi nhận nguồn cung sơ cấp chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua. Nguồn cung bị giới hạn kéo dài trong thời gian qua chủ yếu vì các rào cản pháp lý, dẫn đến các dự án mới bị hạn chế.

Chính vì lẽ đó, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong muốn 3 luật mới về bất động sản có hiệu lực thi hành sớm, nhằm tháo gỡ ngay vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực quan trọng thúc đẩy đầu tư.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những luật mới được sửa đổi, bổ sung, cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng và minh bạch, sẽ có nhiều tác động đến người mua nhà theo hướng bảo vệ, tăng cường quyền và lợi ích của người mua trong “sân chơi” bất động sản hoàn toàn mới.

TS Nguyễn Duy Phương - Giám đốc đầu tư DG Capital đưa ra phân tích, với Luật Đất đai 2024, quy định bảng giá đất mới, giá đất được tính theo nguyên tắc thị trường, tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được đẩy nhanh và người dân được hưởng lợi khi bị thu hồi đất. Đồng thời, quy định này hạn chế động lực đầu cơ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững khi chi phí chuyển nhượng, thuế… tăng cao.

Bên cạnh đó, trong Luật Đất đai 2024, phương pháp định giá đất cụ thể, minh bạch cũng sẽ giúp các dự án triển khai được thông suốt, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bị tạm dừng, thúc đẩy nguồn cung mới vào thị trường, tạo điều kiện cho chủ đầu tư cân đối chi phí vốn và hạ giá bán nhà. Thông qua đó, hỗ trợ nhu cầu mua nhà của người dân.

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản mới được sửa đổi, bổ sung, cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng và linh hoạt hơn sau khi thực thi sẽ là cơ hội tốt với người mua nhà. Bởi với các quy định mới, quyền và lợi ích của người mua nhà sẽ được bảo vệ, với nhiều lựa chọn hơn khi nguồn cung được khơi thông, TS Phương nhận định.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản nửa cuối năm 2024 có thể xảy ra 2 kịch bản. Trường hợp một, thị trường sẽ được “tiếp sức” bằng việc tại kỳ họp thứ 7, nếu Quốc hội cho phép áp dụng Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 kể từ ngày 1.8.2024. Điều này sẽ giúp xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường từ khoảng cuối năm 2024 trở đi.

Kịch bản thứ hai, nếu Quốc hội không cho phép áp dụng sớm 3 luật trên kể thì tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản sẽ bị chậm thêm khoảng 6 tháng. Thậm chí, nếu Quốc hội không thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cho phép triển khai dự án nhà ở thương mại trên “đất khác” thì kể từ ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục không được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Như vậy, sẽ có khoảng 15% trong tổng số các dự án nhà ở thương mại tiếp tục gặp vướng mắc pháp lý. Điều này dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản tiếp tục thiếu hụt nguồn cung dự án dẫn đến thiếu hụt nguồn cung nhà ở thương mại và tiếp tục tình trạng lệch pha sản phẩm nhà ở, lệch về phân khúc nhà ở cao cấp, thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá vừa túi tiền và tiếp tục tình trạng giá nhà bị đẩy lên cao hoặc neo giá cao, tác động bất lợi đến mục tiêu phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững - ông Châu nêu quan điểm.

Nguồn: Laodong.vn