“Việt Nam đang rất nỗ lực hỗ trợ các nhà đầu tư, hỗ trợ thị trường bất động sản. Thật tốt khi 3 luật về bất động sản sẽ đưa vào thực thi sớm, thay vì từ ngày 1/1/2025. Đây là một trong những bước đột phá trên thị trường hiện nay”.
Ông Angus Liew, Chủ tịch HĐQT Gamuda Land Việt Nam đã bày tỏ vui mừng như vậy với phóng viên Báo Đầu tư trong một cuộc trao đổi mới đây về những kỳ vọng với 3 luật có liên quan bất động sản gồm Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ ngày 1/8 tới. Dưới góc nhìn của vị doanh nhân này, về cơ bản, hầu hết các vấn đề khúc mắc đều có thể giải quyết, nhưng ông cũng bày tỏ quan điểm cá nhân, rằng “chúng ta cần xem, vào thời điểm luật có hiệu lực có thể được thực thi hay không”.
Điều kiện để 3 luật được thực thi trôi chảy - theo ông Angus Liew và nhiều chuyên gia, doanh nghiệp - là các văn bản dưới luật, như nghị định của Chính phủ, thông tư của bộ, ngành và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đầy đủ, chặt chẽ, sát thực tế.
Báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng chỉ rõ, thị trường địa ốc nửa đầu năm 2024 đã bám sát tiến trình phục hồi với những tín hiệu nổi bật như nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, có kết quả giao dịch tốt (trên 70%); giá căn hộ chung cư tại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM liên tục thiết lập mặt bằng mới...
Hẳn nhiên, tâm lý chờ đợi sẽ được tháo bỏ khi các luật có hiệu lực. Khi đó, các chủ thể trên thị trường bất động sản sẽ chuyển động, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư sẽ tự tin hơn với việc ra hàng, nhà đầu tư sẽ có niềm tin trở lại.
Nhưng VARS cũng cảnh báo nguy cơ phát sinh mâu thuẫn nếu các quy định mới không đủ chặt chẽ, không kết nối được với các điều luật hoặc chưa đủ chi tiết, cụ thể. Trong trường hợp đó, chắc chắn nhiều quy định sẽ trở thành rào cản, làm giảm tác động tích cực của luật mới, của nghị định tới tiến trình phục hồi của thị trường. Chính vì vậy, ngoài những nỗ lực, quyết tâm để Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, “trải đường sẵn” ngay khi các bộ luật chính thức có hiệu lực.
Còn chưa đầy nửa tháng để các cơ quan cả trung ương và địa phương đẩy nhanh việc xây dựng văn bản hướng dẫn. Điều này thể hiện lời hứa và quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi thuyết phục Quốc hội bấm nút thực thi sớm 3 luật mới về bất động sản, nhằm nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn trên thị trường này.
“Nếu đến ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực mà các hồ sơ bị ách tắc, thì Sở Tài nguyên và Môi trường khó gánh nổi trách nhiệm, vì đây là vấn đề rất lớn. Đó không phải là vấn đề ngân sách, mà là giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp”, ông Trần Văn Bảy, nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (nay là Chánh Thanh tra TP.HCM) bày tỏ lo ngại trong một cuộc họp mới đây.
Lo ngại trên là có cơ sở, bởi từng có tình trạng thông tư chờ nghị định, văn bản của địa phương chờ văn bản của trung ương. Nhưng với luật mới - như đánh giá của ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - là đã phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương. Trong đó, một số văn bản mà địa phương có thể ban hành ngay như quy định xác định trường hợp nào là đấu giá, trường hợp nào là đấu thầu khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển dự án nhà ở thương mại, mà không cần chờ nghị định hướng dẫn.
Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc thực hiện cam kết khi một số nghị định quan trọng đã được ban hành. Cũng bởi vậy, các địa phương, nhất là các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM cần phải gấp rút xây dựng văn bản hướng dẫn để áp dụng ngay từ ngày 1/8.
Các văn bản hướng dẫn là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để 3 luật đi vào cuộc sống có lẽ nằm ở chính đội ngũ thực thi. Nói vậy là bởi hiện có không ít câu hỏi được đặt ra. Chẳng hạn, khi áp dụng luật mới, thì thủ tục pháp lý dự án liệu có thông suốt, hay các vấn đề tồn đọng bấy lâu như xác định giá, đất công xen kẹt… có được giải quyết triệt để?
Mọi kỳ vọng đang hướng về ngày 1/8. Nếu luật đã rõ và văn bản hướng dẫn đã cụ thể mà vẫn còn trở ngại, thì sẽ rất khó giải thích với người dân và doanh nghiệp. Khi đó, sẽ phải áp dụng các quy định về xử lý cán bộ và công chức đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm nhằm đảm bảo sự nghiêm minh, tinh thần thượng tôn pháp luật.
Một khi 3 luật được thực thi trôi chảy, thì thị trường bất động sản mới có cơ hội chuyển sang chương mới!
Nguồn: Baodautu.vn