Muôn kiểu thiết kế vườn trong nhà phố

Bố trí vườn ở sân trong, dưới giếng trời hay treo lơ lửng ở ban công, tầng thượng... giúp bổ sung mảng xanh cho không gian nhà phố.

Vườn treo

Ngôi nhà phố có quy mô ba tầng, được xây trên khu đất rộng 64 m2, kích thước 4x16 m tại Đà Nẵng, là nơi sinh sống của một gia đình trẻ. Nửa diện tích phía sau được sử dụng để xây dựng một khối nhà ba tầng với các chức năng sinh hoạt. Nửa diện tích còn lại được thiết kế thành một khu vườn nhiều tầng bậc và một khối nhà trên cao như đang bay ở những ngọn cây.

Ảnh: Triệu Chiến

Vườn treo trên cao. Ảnh: Triệu Chiến

Khối nhà trên cao được tổ chức là một phòng sinh hoạt gia đình, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của các thành viên.

Cảm hứng cho các vật liệu hoàn thiện ngôi nhà đến từ hình ảnh phố cổ Hội An. Cấu trúc mái ngói của hai khối nhà hướng vào sân giữa, làm nổi bật khu vườn trung tâm.

"Xẻ dọc" ngôi nhà

Ngôi nhà có quy mô hai tầng và một sân thượng, được xây trên khu đất rộng 176 m2 tại khu dân cư mới ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

Xuất phát từ mong muốn của gia chủ về một khu vườn trung tâm giúp ngắm nhìn thiên nhiên từ nhiều góc, ngôi nhà đã được lên ý tưởng tạo nên một dải không gian nối tiếp nhau chạy dọc theo khu đất.

Nếu quan niệm mặt bằng nhà phố thông thường gồm cổng chính - phòng khách - bếp - ăn - các phòng ngủ, thì tại đây, khoảng cách tiếp cận từ cổng chính tới phòng khách được kéo giãn và thay thế bằng vườn cây. Ý tưởng này giúp ánh sáng và thông gió tự nhiên được phân bổ đều cho mọi phòng chức năng.

Khu vườn nằm trải dài theo chiều dọc ngôi nhà. Ảnh: Huỳnh T. Long

Khu vườn nằm trải dài theo chiều dọc ngôi nhà. Ảnh: Huỳnh T. Long

Mặt tiền

Ngôi nhà phố có quy mô 6 tầng, diện tích xây dựng mỗi sàn khoảng 50 m2, nằm tại Hà Nội. Khu đất sở hữu vị trí lô góc hai mặt thoáng với hướng chính Đông Nam, là lợi thế để khai thác yếu tố tự nhiên như ánh sáng, gió cùng hướng nhìn mở cho các không gian chức năng.

Công trình tọa lạc ở thành phố có mật độ công trình, xe cộ và dân cư đông đúc, luôn thiếu hụt những mảng xanh, nên thiết kế được chọn là hệ khung sắt kết hợp bồn trồng cây bao bọc mặt tiền. Giải pháp này giúp tăng riêng tư, an toàn cho không gian sinh hoạt bên trong, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng từ tiếng ồn, bụi và khí hậu.

Vườn cây phủ xanh mặt tiền ngôi nhà. Ảnh: Triệu Chiến

Vườn cây phủ xanh mặt tiền ngôi nhà. Ảnh: Triệu Chiến

Hệ khung sắt và rèm cây xanh có tác dụng cản mưa nắng, giảm hấp thụ nhiệt từ bên ngoài vào không gian trong nhà.

Sân thượng

Ngôi nhà ống 3 tầng, được xây dựng trên khu đất rộng gần 112 m2 tại Đông Triều (Quảng Ninh), là nơi sinh sống của một gia đình gồm 3 thế hệ.

Thửa đất tồn tại khá nhiều nhược điểm như: Mặt tiền hướng Tây, bề ngang rộng 4,3 m, dài 26 m. Ngoài ra, mật độ xây dựng cao dễ dẫn đến tình trạng nhà thiếu ánh sáng tự nhiên, không gian ngột ngạt. Để khắc phục, ngôi nhà được chọn giải pháp bố trí vườn cây và không gian đệm ở tất cả hướng, giúp không gian bên trong luôn mát mẻ, ngập tràn ánh sáng.

Khu vườn xanh tọa lạc trên tầng thượng. Ảnh: Hoàng Lê

Khu vườn xanh tọa lạc trên tầng thượng. Ảnh: Hoàng Lê

Tầng 3 được thiết kế như một khu vườn trên cao, trồng các giống cây đa dạng. Tại đây, cả gia đình có thể cùng nhau ngồi hóng mát hay tổ chức những buổi gặp gỡ bạn bè vào dịp cuối tuần.

Tận dụng 4 phía

Công trình có quy mô 3 tầng, diện tích xây dựng 100 m2, tọa lạc giữa một khu dân cư đông đúc tại TP Nha Trang. Ngôi nhà được thiết kế theo giải pháp "tự nhiên hóa" không gian sống, thông qua việc tối ưu diện tích dành cho cây xanh và mặt nước.

Kiến trúc sư đã tận dụng không gian xung quanh các phòng ngủ và khu vực vệ sinh để bố trí các mảng cây xanh. Điều này không chỉ giúp làm giảm ảnh hưởng của khói bụi đô thị, cải thiện chất lượng không khí, mà còn tạo nên những khung cảnh thiên nhiên sống động theo hướng nhìn từ trong ra ngoài.

Vườn cây được bố trí ở các phía của ngôi nhà. Ảnh: Hiroyuki Oki

Vườn cây được bố trí ở các phía của ngôi nhà. Ảnh: Hiroyuki Oki

Ngoài các ô cửa sổ ở hông công trình, phía trước phòng ngủ chính ở tầng 3 được bố trí một khu vườn treo với cây xanh phủ kín. Ánh sáng tự nhiên đưa vào nhà thông qua giàn lam cỡ lớn, mái kính bên trên khu vực cầu thang, giúp công trình giảm đáng kể sự phụ thuộc vào đèn điện.

Thu Hương

Nguồn: Vnexpress.vn