Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với môi giới bất động sản khi luật mới có hiệu lực nhận được sự quan tâm của người mua nhà lẫn cá nhân làm nghề môi giới.
Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2023 đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024. Với các quy định mới về việc siết phân lô bán nền, thị trường từ ngày 1.8 được nhìn nhận giảm bớt hiện tượng môi giới BĐS đầu cơ, thổi giá đất nền và gây nhiễu loạn thị trường.
Ngoài ra, theo Luật Kinh doanh BĐS 2023, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều này nhận được sự quan tâm của người mua nhà lẫn các cá nhân làm nghề môi giới.
Đang có nhu cầu mua nhà, anh Nguyễn Văn Út (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết, khi các luật mới có hiệu lực thi hành, bản thân có thể đỡ thấp thỏm về việc cò đất tạo sốt ảo, làm mất tiền oan.
“Điều tôi mong chờ nhất là thị trường giao dịch minh bạch, công khai để có thể chủ động hơn trong việc tiếp cận được những dự án nhà ở. Đặc biệt, việc quy định người làm nghề môi giới BĐS có chứng chỉ hành nghề sẽ giúp tôi an tâm hơn về quyền lợi, sự công bằng khi thực hiện các giao dịch” - anh Út chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Lệ Hồng (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cũng mong những quy định mới sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực.
“Không rành thị trường, việc tìm mua nhà thường dựa vào môi giới. Nhưng nếu không may gặp phải môi giới không chuyên, cò đất, chỉ muốn kiếm hoa hồng là chính, quyền lợi của người mua chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, tôi hy vọng các quy định mới sẽ giúp ngăn chặn việc cò đất, môi giới BĐS không chuyên đầu cơ, thổi giá, gây khó khăn cho cả người mua và người bán” - chị Hồng bày tỏ.
Là một môi giới BĐS, anh Quốc Trường (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho rằng, cùng với sự phát triển của thị trường, người làm nghề môi giới BĐS phải không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng và nhất là phải có chứng chỉ hành nghề. Theo đó, các quy định mới liên quan đến BĐS nói chung và cá nhân làm nghề môi giới BĐS nói riêng được xem là một cơ hội giúp sàng lọc “cò đất”, để những môi giới BĐS thực sự có cơ hội phát triển, tìm hợp đồng.
“Thị trường BĐS ấm lên cũng sẽ thu hút nhiều người đến với nghề môi giới. Nhưng nếu môi giới không có kiến thức, kỹ năng, chứng chỉ hành nghề, chỉ chạy theo lợi nhuận, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng vừa làm giảm uy tín của nghề. Do đó, tôi mong rằng, luật mới có hiệu lực sẽ sàng lọc thị trường, để đảm bảo quyền lợi cho người bán, người mua lẫn những cá nhân làm nghề môi giới thực sự như chúng tôi” - anh Trường chia sẻ.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cùng với sự phát triển ngày càng “nóng” của thị trường, vai trò của nhà môi giới BĐS đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 40.000 người hoạt động môi giới BĐS có chứng chỉ do các cơ quan chức năng cấp.
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - nhấn mạnh, môi giới BĐS là ngành nghề góp phần kết nối cung cầu, kết nối cho người tiêu dùng, nhà đầu tư lựa chọn những sản phẩm phù hợp. "Người dân nhìn chung không có năng lực thẩm định, thẩm tra, hoàn toàn tin tưởng vào môi giới. Nên môi giới không đạt được tiêu chuẩn về kỹ năng nghiệp vụ thì rõ ràng rủi ro rất lớn" - TS Nguyễn Văn Đính nói.
Nguồn: Laodong.vn