Nhà, đất công được gỡ vướng quy định cho thuê

Nhà, đất công không để ở sẽ được cho thuê với thời hạn tối đa 5 năm qua đấu giá, theo Nghị định 108 của Chính phủ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108 về quản lý, sử dụng và khai thác nhà đất, tài sản công không dùng để ở. Theo đó, loại nhà, đất này sẽ được phép cho thuê lại để sử dụng vào mục đích khác như sản xuất, kinh doanh.

Trước Nghị định này, pháp luật chỉ có cơ chế xác định giá cho thuê nhà, đất để ở. Còn với quỹ nhà, đất chuyên dùng (tức không dùng để ở) lại chưa có cách tính giá khi cho thuê. Thực tế, giá thuê tài sản công loại này được các tổ chức quản lý, kinh doanh áp theo giá của nhà, đất công thông thường. Song, việc này có thể dẫn tới tùy tiện trong thực hiện, vi phạm pháp luật, theo Bộ Tài chính.

Tại nhiều địa phương, do thiếu cơ chế cho thuê, không ít cơ sở đất vàng bị bỏ trống, lãng phí trong khi nhu cầu thuê lớn. Mỗi địa phương lại thực hiện không thống nhất về phương thức đấu giá, bảng giá thuê... Vì thế, giới chuyên môn cho rằng Nghị định 108 sẽ gỡ vướng cho quản lý, khai thác quỹ nhà, đất chuyên dùng, tránh lãng phí nguồn lực.

Một khu đất công tại TP HCM, tháng 3/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Một khu đất công tại TP HCM, tháng 3/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Nghị định này, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công chuyên dùng nhằm giải quyết nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhà chức trách sẽ giám sát, thanh tra, kiểm toán các hoạt động này.

Giá thuê sẽ được xác định qua đấu giá, với thời hạn cho thuê tối đa 5 năm. Trường hợp nhà, đất thuộc diện tạm quản lý trong khi chờ xử lý vướng mắc, thời hạn thuê không quá 3 năm. Hợp đồng sẽ được gia hạn nhưng không quá thời gian cho thuê liền kề trước đó.

Ngoài ra, trường hợp bên thuê là tổ chức hội nghề nghiệp chưa có trụ sở hoặc tiền thuê dưới 50 triệu đồng một năm... mức thuê áp theo phương thức niêm yết giá.

Theo Nghị định, nhà, đất công còn được bố trí cho cơ quan, tổ chức sử dụng tạm thời trong thời gian sửa chữa, nâng cấp trụ sở chính. Việc này giúp các đơn vị không phát sinh thêm chi phí khi đi thuê trụ sở bên ngoài.

Tổ chức, cá nhân thuê phải nộp đủ tiền cho bên quản lý, kinh doanh đúng thời hạn. Trường hợp quá hạn thanh toán, bên thuê sẽ phải trả tiền chậm nộp và tiền này được địa phương nộp vào ngân sách.

Quỹ nhà chuyên dùng, tức không sử dụng vào mục đích ở, bắt nguồn từ việc tiếp quản sau giải phóng Thủ đô, Miền Nam; hay nhà, đất được xác lập sở hữu toàn dân; hoặc được nhận giao lại từ chủ đầu tư các khu đô thị mới.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện cả nước có gần 88.000 cơ sở nhà, đất công giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà ở địa phương. Tổng diện tích của loại nhà, tài sản này hơn 23,7 triệu m2, chủ yếu tại Hà Nội và TP HCM, trong đó đất ở chiếm 90%, nhà là 82%.

 

Phương Dung

Nguồn: Vnexpress.vn