Phát triển công nghiệp tại Bình Dương đang cần thêm rất nhiều nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ phù hợp với công nhân lao động.
Nhu cầu rất lớn, nhưng nguồn cung lại ít ỏi, vì vậy tỉnh Bình Dương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội hơn nữa để giữ chân và thu hút nguồn lao động.
Người lao động đỏ mắt tìm nhà ở xã hội
Qua ghi nhận, trong 3 năm qua, việc xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) tại Bình Dương chững lại. Số dự án hoàn thành và được nghiệm thu rất ít, dẫn đến số người lao động sở hữu NƠXH trong giai đoạn này khá ít.
Theo thống kê của UBND tỉnh Bình Dương, từ năm 2021 đến nay chỉ có 6 dự án NƠXH đã hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng với 1.643 căn. Các dự án hoàn thành chủ yếu tập trung ở TP Thuận An và TP Bến Cát. Các địa phương tập trung đông công nhân lao động như TP Dĩ An, Tân Uyên và Thủ Dầu Một gần như không có dự án hoàn thành trong những năm gần đây. Người lao động ở các địa phương này đỏ mắt tìm NƠXH. UBND tỉnh Bình Dương cho biết, theo dự báo từ nay đến năm 2030, số người lao động ở Bình Dương có nhu cầu mua NƠXH vào khoảng 129.212 căn.
Cần thêm nhà ở giá rẻ để giữ chân và thu hút lao động
Theo đánh giá, thu nhập của người lao động ở Bình Dương có nhỉnh hơn các tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây. Tuy nhiên, hiện nay mức sống khá cao, người lao động chi tiêu hết tiền lương và ít có tích lũy. Nhiều gia đình công nhân lao động dù đã làm việc ở Bình Dương hơn 10 năm vẫn chưa thể để mua đất xây nhà. Những năm gần đây, có nhiều gia đình đã tính chuyện "hồi hương".
Đầu năm 2024, anh Bùi Văn Biện (36 tuổi, quê Hòa Bình, làm nghề thợ may) đã đưa vợ con rời Bình Dương về quê sinh sống.
"Vợ chồng tôi làm việc trong lĩnh vực may mặc, thu nhập của vợ khoảng 8 triệu đồng/tháng, tôi lương kỹ thuật được từ 12-14 triệu đồng/tháng. Thu nhập của cả hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, chi phí ở đây khá cao. Hai cháu đi học mỗi tháng hết khoảng 4-6 triệu đồng, tiền thuê nhà cùng điện nước hết 4 triệu đồng. Tiền ăn cả gia đình hằng tháng khoảng 5-6 triệu đồng. Rồi chi tiêu nhiều khoản khác, tiền tích lũy không có, nên khó có thể mua nhà. NƠXH khoảng giá từ 400-600 triệu đồng/căn thì không có. Vợ chồng tôi cảm thấy không ổn định về lâu về dài nên phải quay về quê giảm bớt gánh nặng chi phí" - anh Biện chia sẻ.
Trong khi đó anh Lương Đình Thức (34 tuổi, quê Thanh Hóa, làm công nhân may tại TP Dĩ An) cũng cho biết, không thể mua được nhà gần nơi mình đang làm việc. "Tôi đi ở trọ 14 năm rồi, giá nhà đất cao quá không mua nổi. Với mức thu nhập 7-9 triệu đồng/tháng thì khó có tích lũy để mua nhà. Chúng tôi chỉ có thể mua trả góp căn hộ từ 300-500 triệu đồng, nhưng mức giá này thì không có ở đâu bán" - anh Thức cho biết.
Hiện nay, xu hướng người lao động bỏ về quê, người lao động mới ít đến Bình Dương, các doanh nghiệp thì đang đỏ mắt tìm lao động. Ghi nhận những tháng cuối năm 2024, các doanh nghiệp ở Bình Dương cần thêm lao động để sản xuất đơn hàng dịp Tết nhưng tuyển dụng không được.
Ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng lao động Đức Lương - cho biết, việc tuyển dụng lao động hiện nay là rất khó khăn. "Tôi kiến nghị cần phải đẩy nhanh tiến độ xây NƠXH, nhà ở giá rẻ để giữ chân và thu hút lao động. Công nhân làm việc ở Bình Dương mà 3-5 năm mua được NƠXH, có nơi ở ổn định thì họ sẽ không về quê nữa" - ông Trần Ngọc Lương cho biết.
Nguồn: laodong.vn