50 năm sau ngày giải phóng, TP.HCM từ đô thị chiến tranh thành trung tâm kinh tế, văn hóa gắn với nhiều công trình như bến Bạch Đằng, Tân Cảng, hầm Thủ Thiêm...
Trải qua 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), TP.HCM chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục, vượt qua những dấu tích chiến tranh trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa hàng đầu Việt Nam.
Những cái tên như bến Bạch Đằng, Thủ Thiêm, Tân Cảng, chợ Bến Thành, Công trường Mê Linh và cầu Rạch Chiếc - đất cảng Trường Thọ không chỉ là những địa danh quen thuộc mà còn là minh chứng sống động cho hành trình thay đổi của thành phố qua nửa thế kỷ.
Bến Bạch Đằng - công trường Mê Linh
Nằm bên sông Sài Gòn, bến Bạch Đằng từng là hình ảnh quen thuộc với những chuyến phà qua lại Thủ Thiêm cách đây 50 năm. Khi đó, bến sông tuy nhộn nhịp nhưng rất giản đơn của một Sài Gòn cũ. Hình ảnh bến Bạch Đằng (Quận 1) qua ảnh chụp vào năm 1959. (Nguồn: Nguyễn Bá Mậu)
Ngày nay, khu vực này đã khoác lên mình diện mạo mới với công viên bến Bạch Đằng trải dài hơn 1,3 km, khánh thành giai đoạn đầu năm 2022. Những tuyến xe buýt đường sông hiện đại, bến du lịch và không gian cây xanh giờ đây thay thế cho cảnh “trên bến dưới thuyền” xưa kia, mang đến một góc nhìn mới mẻ về sự giao thoa giữa lịch sử và hiện tại.
Công trường Mê Linh đầu thập niên 70 thế kỷ XX, qua góc nhìn toàn cảnh từ trên cao của Corbis bên bờ sông Sài Gòn, nay đã thay đổi rõ rệt sau 50 năm. (Ảnh tư liệu)
Từ một vòng xoay giản đơn với các nhánh đường như Ngô Đức Kế, Hồ Huấn Nghiệp, Phan Văn Đạt, Hai Bà Trưng, Thi Sách tỏa ra, khu vực này vẫn giữ nguyên tên gọi nhưng đã lột xác với sự xuất hiện của hàng loạt cao ốc hiện đại. Tượng Trần Hưng Đạo, biểu tượng lịch sử của công trường, sau trùng tu vẫn được đặt lại nguyên vị trí, như một điểm nhấn bền vững giữa nhịp sống đô thị ngày càng sôi động.
Thủ Thiêm và Bán đảo Thủ Thiêm: Hành trình từ vùng trũng đến đô thị mới
Thủ Thiêm của những năm 1970 là vùng đất ngập nước với nhà tranh và lối đi lầy lội. (Ảnh tư liệu)
Qua 50 năm, Bán đảo Thủ Thiêm đã lột xác thành khu đô thị mới đầy triển vọng. Cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son), hoàn thành năm 2022 với thiết kế dây văng ấn tượng, nối liền Quận 1 với khu vực này, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng.
Những khu dân cư cao cấp, công viên ven sông và dự án cao ốc dần hình thành trên nền đất từng là đầm lầy, minh họa rõ nét cho sự thay đổi trong quy hoạch đô thị TP.HCM.
Tân Cảng - từ cảng quân sự đến trung tâm logistics
Tân Cảng được xây dựng năm 1960, là nơi khai thác dịch vụ xuất nhập khẩu và vận tải biển, nằm dưới chân cầu Sài Gòn. (Ảnh tư liệu)
Ngày nay, nơi này trở thành khu đô thị hiện đại với điểm nhấn là tòa tháp Landmark 81 tầng, cao nhất Việt Nam.
Cầu Rạch Chiếc - đất cảng Trường Thọ: Kết nối và phát triển

Cầu Rạch Chiếc và khu vực đất cảng Trường Thọ, thuộc phía Đông TP.HCM, 50 năm trước chỉ là những con đường nhỏ và bến cảng đơn sơ. Cầu Rạch Chiếc gắn liền với trận đánh cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn ngày 27/4/1975. Tại đây, các chiến sĩ đặc công biệt động của các đơn vị Z23, Z22 và D81, Lữ đoàn 316 chiến đấu anh dũng để chiếm giữ, đón đại quân tiến vào trung tâm thành phố. (Ảnh tư liệu)
Ngày nay, cầu Rạch Chiếc mới trên tuyến vành đai 2 đã thay thế cây cầu cũ chật hẹp, mở rộng kết nối giao thông giữa Quận 7 và TP Thủ Đức.
Đất cảng Trường Thọ, từng là khu công nghiệp cũ, đang được định hình thành khu đô thị thông minh, hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho vùng phía Đông thành phố.
Xa lộ Hà Nội: 50 năm từ con đường hai làn đến hạ tầng giao thông hiện đại
Xa lộ Hà Nội, tuyến đường huyết mạch của TP.HCM từ những năm 70 của thế kỷ trước. (Nguồn: Ảnh tư liệu)
Qua 50 năm, Xa lộ Hà Nội đã chứng kiến sự lột xác ấn tượng về hạ tầng giao thông. Từ một con đường hai làn giản đơn nối Sài Gòn với miền Đông, tuyến đường này nay mở rộng lên 8-10 làn xe, được trang bị cầu vượt, hầm chui và các nút giao thông hiện đại.
Đặc biệt, sự phát triển của Metro số 1 đã biến Xa lộ Hà Nội thành biểu tượng của giao thông đô thị thông minh, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của TP.HCM hiện đại.
Hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông đầu tiên tại Việt Nam

Khu vực Thủ Thiêm đầu thập niên 70 thế kỷ XX. (Nguồn: Wurster, Bernadi and Emmos Architects and Planners (1972).
Hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) khánh thành vào năm 2011 sau 7 năm xây dựng. Đây là đường hầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và là đường hầm được thi công bằng công nghệ đúc, dìm dài nhất Đông Nam Á. Hầm có điểm đầu nằm ở Quận 1 và điểm cuối là khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Đường hầm có 6 làn xe, được dìm dưới lòng sông Sài Gòn với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m.
Metro số 1 - Niềm tự hào giao thông TP.HCM sau 50 năm đổi thay

Kể từ ngày thống nhất đất nước, TP.HCM đã trải qua 50 năm chuyển mình mạnh mẽ, từ những con đường nhỏ hẹp đến hệ thống giao thông hiện đại hàng đầu khu vực. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), chính thức đi vào hoạt động thương mại từ ngày 22/12/2024, mang đến sự đổi thay rõ rệt cho cuộc sống hiện đại của người dân thành phố.
Metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của sự kiên trì và tầm nhìn dài hạn. Khi các đoàn tàu lăn bánh, mang theo hàng nghìn hành khách mỗi ngày, thành phố cũng đang viết tiếp câu chuyện của mình – một đô thị hiện đại, kết nối và bền vững, sẵn sàng vươn xa trên bản đồ thế giới.
Theo Lương Ý/VTC News
VTC News
Nguồn: cafef.vn