Sau khi được bổ sung nguồn cát từ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nhà thầu bắt đầu tăng tốc thi công Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM để kịp thông xe toàn bộ trong năm 2026.
Tiến độ qua các địa phương không đồng đều
Tính đến giữa tháng 10/2024, tiến độ Dự án Vành đai 3 - TP.HCM (dài hơn 47 km) đạt gần 20%. Trong đó, có 4 gói thầu đạt khoảng 27,3% và 6 gói thầu đạt khoảng 13,5%.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, đến nay, các gói thầu đoạn qua TP.HCM vẫn đáp ứng được tiến độ so với kế hoạch đề ra. Tuy vậy, việc chậm cung cấp cát xây dựng có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến độ Dự án trong thời gian tới.
Ban Giao thông cho biết, năm 2024, đoạn đi qua TP.HCM cần 3,7 triệu m3 cát để thi công, nhưng đến nay, các nhà thầu mới có khoảng 1,1 triệu m3 cát từ các nguồn cát thương mại trong nước và cát từ Campuchia để thi công Dự án.
“Ban Giao thông cùng các nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh thủ tục cấp phép các mỏ còn lại và tăng cường huy động cát từ các mỏ cát đã được các địa phương cam kết hỗ trợ phục vụ Dự án, đảm bảo tiến độ đề ra”, đại diện Ban Giao thông cho biết.
Đối với đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương (dài 26,6 km), tiến độ đến nay đảm bảo so với kế hoạch. Một số gói thầu có tiến độ đạt gần 50%, như Gói thầu xây lắp cầu Bình Gởi (đạt 47,4% khối lượng hợp đồng), Gói thầu xây lắp nút giao Bình Chuẩn (đạt hơn 25%).
Dẫn đầu về tiến độ trong Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM là đoạn qua tỉnh Long An. Tính đến đầu tháng 10/2024, dự án đi qua tỉnh Long An đã thi công đạt 45% khối lượng tổng thể. Trong đó, có hạng mục đạt và vượt tiến độ so với hợp đồng nhà thầu đã ký kết.
Đáng lo ngại nhất là đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai, dù chỉ có chiều dài 11,2 km, nhưng đến tháng 10/2024, địa phương này vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng để nhà thầu thi công. Đến nay, tiến độ thi công đoạn này mới đạt gần 10% tổng khối lượng dự án.
Có thêm nguồn cát, tăng tốc thi công
Một trong những vấn đề “nóng” được các địa phương bàn thảo tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra mới đây là việc cung cấp cát cho các dự án đường bộ.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tổng nhu cầu cát của 4 địa phương để xây dựng Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM là là 9,2 triệu m3. Tính đến thời điểm hiện tại, có 3 địa phương cam kết cung cấp cát cho Dự án với tổng khối lượng khoảng 10 triệu m3. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có 7 mỏ với 6,6 triệu m3, Vĩnh Long 3 mỏ với 1,4 triệu m3 và Bến Tre có 3 mỏ với 2 triệu m3.
Theo ông Cường, nhu cầu cát của Dự án trong năm 2024 là 5 triệu m3, song đến nay, khối lượng cát được huy động về công trường mới đạt 1,8 triệu m3. Sau khi làm việc với các địa phương (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre), đến nay, đã cấp phép được 2 mỏ cát; trong tháng 10 cấp phép 7 mỏ; tháng 11 dự kiến cấp phép 4 mỏ và tháng 12 cấp phép thêm 3 mỏ.
Trên công trường, các nhà thầu đã bắt đầu nhận cát để tăng tốc thi công, nhưng khối lượng chưa đáp ứng được nhu cầu. Tại Gói thầu XL-08 đoạn đi qua huyện Hóc Môn do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T, Công ty cổ phần Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 18 thi công đã có thêm hơn 120.000 m3 cát. Đại diện Liên danh nhà thầu Gói thầu XL-08 cho biết, sau khi có cát về công trường sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, bù đắp tiến độ bị thiếu hụt do chờ cát thời gian qua.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết, sau khi có nguồn cát về công trường, Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các nhà thầu tăng cường nhân lực, thiết bị cũng như các mũi thi công 3 ca, 4 kíp để đảm bảo tiến độ chung của Dự án, với mục tiêu thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2026. Riêng một số đoạn tuyến ở các địa phương sẽ thông xe trong năm 2025.
Nguồn: Baodautu.vn