Thị trường bất động sản TP.HCM sắp đón hàng trăm nghìn căn nhà ở thương mại nhờ cơ chế đặc biệt này

Việc thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại đã mở ra một nguồn lực rất lớn cho Thành phố, đồng thời là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản TP.HCM khi hàng trăm nghìn căn nhà ở thương mại có thể gia nhập thị trường.

Mới đây, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã mời các tổ chức có nhu cầu nộp hồ sơ đăng ký thực hiện nhà ở thương mại theo Nghị quyết số 171/2024. Cụ thể, đăng ký thực hiện theo mẫu, bản sao một trong các giấy tờ chứng minh đang có quyền sử dụng đất, trích lục bản đồ hoặc sơ đồ vị trí khu đất thực hiện thí điểm.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Nghị định 75/2025 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 171 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất và Nghị định 76/2025 quy định chi tiết Nghị quyết số 170 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án Bất động sản trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án TP.HCM, TP.Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Hai nghị định trên sẽ tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn và tái khởi động lại hàng ngàn dự án bị trùm mền hàng chục năm qua. Từ đó tác động lan toả đến hơn 35 ngành kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và từ năm 2026 trở đi thì tăng trưởng GDP phải đạt 2 con số từ 10% trở lên.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 343 khu đất

Theo Hiệp hội, Nghị quyết 171 và Nghị định 75 đã làm đầy khoảng trống pháp Luật đất đai, bổ sung đầy đủ các phương thức tiếp cận, sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Cụ thể, trong thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết 171 thì các nhà đầu tư được phép thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với các loại đất khác không phải là đất ở bao gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Việc thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại đã mở ra một nguồn lực rất lớn cho Thành phố
Việc thí điểm mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại đã mở ra một nguồn lực rất lớn cho Thành phố

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng quy định này sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 343 khu đất của hơn 300 doanh nghiệp với tổng diện tích đất lên đến 1.913 ha.

Chủ tịch HoREA ước tính, nếu bình quân mỗi dự án có 630 căn nhà thì sẽ có thêm 216.000 căn nhà cung ứng cho thị trường Bất động sản trong 3 - 10 năm tới. Đồng thời trong các dự án còn có các diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, giao thông, công viên cây xanh.

Nếu giả định đầu tư bình quân 1.000 tỷ đồng/ha thì tổng giá trị đầu tư lên đến khoảng 1,9 triệu tỷ đồng, tác động lan tỏa đến hơn 35 ngành kinh tế, từ sản xuất cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất, thi công xây lắp, tư vấn xây dựng đến hoạt động tín dụng, thương mại, dịch vụ. Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước và khắc phục được tình trạng lãng phí đất đai.

Tháo gỡ cho hàng trăm dự án trên cả nước

Theo HoREA, Nghị quyết số 171 và Nghị định 75 không chỉ tháo gỡ khó khăn và cho 343 dự án của TP.HCM, mà theo thống kê kinh nghiệm thì TP.HCM thường chiếm khoảng 25-30% cả nước. Vì vậy, cả nước có thể sẽ có khoảng 900 dự án tương tự với quy mô sử dụng đất khoảng 5.000 ha sẽ được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong 5 năm tới.

Trong khi đó, với Nghị quyết số 170/2024, lần đầu tiên Quốc hội đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để làm cơ sở xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 64 dự án trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, TP.Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Tạo điều kiện để xử lý dứt điểm 49 dự án tại TP.Đà Nẵng, 11 dự án tại tỉnh Khánh Hoà và 4 dự án tại TP.HCM. Tạo điều kiện tái khởi động lại 64 dự án bị trùm mền hàng chục năm qua, sẽ tác động tích cực lan tỏa về kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.

Tuy nhiên theo ông Châu, không chỉ có 64 dự án tại TP.Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, TP.HCM mà còn có nhiều địa phương khác cũng có các dự án bị vướng mắc tương tự và ngay tại các tỉnh này có thể còn có nhiều dự án khác tương tự cần được tháo gỡ.

Do vậy rất cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 170/2024 và Nghị định 76 để cho phép áp dụng tương tự đối với tất cả các dự án tương tự trên cả nước để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 1.533 dự án đang bị vướng mắc vừa được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung tháo gỡ.

Bên cạnh đó, để đảm bảo tính hợp hiến, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật nhà nước phải hoàn trả lại tiền chênh lệch trong trường hợp số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất xác định lại nhỏ hơn số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, tạm nộp cho nhà đầu tư.

 

Diệu Trang

theo Baoquankhu7

Nguồn: cafeland.vn