Thị trường bất động sản vẫn đối mặt với những vấn đề đó là nguồn cung hạn chế, giá bán cao, thanh khoản thấp trong thời gian tới.
Thị trường bất động sản TPHCM tiếp tục ghi nhận giá chung cư đi lên trong tháng 7.2024 khi giá căn hộ bình dân tăng nhẹ 1%, từ mức trung bình 27,9 triệu đồng/m2 lên mức 28,3 triệu đồng/m2.
Giá bán căn hộ trung cấp tăng 2%, từ mức trung bình 42,7 triệu đồng/m2 lên mức 43,7 triệu đồng/m2.
Giá bán căn hộ cao cấp tăng 3%, từ mức trung bình 83,5 triệu đồng/m2 tăng lên mức 85,6 triệu đồng/m2.
Dù thị trường bất động sản TPHCM nói riêng và cả nước nói chung đang có những chuyển biến tích cực và sáng sủa hơn so với 2 năm trước đó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn đối mặt nhiều thách thức. Hiện lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản tại TPHCM vẫn rất lớn.
Theo báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2024, lượng hàng tồn kho của cả nước là khoảng 17.105 bất động sản, trong đó có 2.999 căn chung cư; 7.045 căn nhà ở riêng lẻ và 7.061 thửa đất nền.
Thống kê từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy, tổng giá trị tồn kho tính đến cuối tháng 6.2024 là vào khoảng 288.000 tỉ đồng, tăng 2.000 tỉ đồng so với quý trước và tăng 4,3% so với cuối năm 2023.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, số lượng dự án được cấp phép mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, các sản phẩm đưa ra thị trường trong thời gian qua không đại diện cho nguồn thu nhập bình quân của người dân.
Đáng nói, các doanh nghiệp bất động sản phía Nam đang áp đảo về lượng hàng tồn kho với các đại diện tiêu biểu như Novaland, Nam Long, Phát Đạt, Khang Điền, Đất Xanh, An Gia. Phần lớn hàng tồn kho của các doanh nghiệp đều nằm ở các dự án cũ đã được triển khai một thời gian nhưng chưa bán hết.
Việc hàng tồn kho lớn hé lộ chỉ số sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản còn nhiều bất ổn. Điều này cho thấy, sức mua của thị trường vẫn yếu, thanh khoản tại thị trường bất động sản TP.HCM vẫn kém. Dòng tiền trên thị trường vẫn đang lưu chuyển chậm chạp, yếu ớt, trong khi các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các chi phí vận hành lớn.
Theo nhận định của ông Sử Ngọc Khương - Viện Phó Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, điểm mới của thị trường là vừa qua các chính sách pháp luật liên quan đến bất động sản đã bắt đầu có hiệu lực, tuy nhiên, để các chính sách pháp luật đi vào đời sống còn phụ thuộc vào các thông tư, nghị định, hấp thụ, phản ứng của thị trường.
Do đó, từ đây đến cuối năm chỉ còn vài tháng, nên các chính sách này không thể như “cây đũa thần” giúp thị trường nhộn nhịp. Nó khác với thị trường chứng khoán, tài chính.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển có quan điểm cho rằng, thị trường bất động sản còn gặp khó khăn trong năm 2024, thanh khoản thấp, hàng tồn kho tăng, tỉ lệ doanh thu/hàng tồn kho chỉ vào khoảng 2,3%.
Tuy nhiên, thị trường có những nghịch lý như không cần bán giá cũng tăng, nguồn cung hạn chế vẫn không bán được trong khi đó, nguyên tắc thị trường cung ít thì phải bán được.
Do đó, thị trường bất động sản từ đây đến cuối năm 2024 tiếp tục phải theo dõi. Chỉ có những vùng dân cư tập trung và sẽ tập trung, có dòng tiền đủ mạnh mới tạo động lực đi lên.
"Dù kinh tế có nhiều điểm sáng nhưng dòng tiền bất động sản vẫn chưa thể bung ra được vì doanh nghiệp bất động sản còn khó khăn, chưa tiếp cận được vốn ngân hàng.
Tiêu dùng vẫn hạn chế do việc làm chưa phục hồi mạnh và nhóm trung lưu phải giải quyết nợ vay bất động sản. Tôi nghĩ phải phải đến năm 2026 nhà đầu tư mới yên tâm xuống tiền”, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định.
Nguồn: Laodong.vn