Thời gian gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM và vùng giáp ranh có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nên thu hút nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền.
Nhà đầu tư mạnh dạn xuống tiền mua bất động sản
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Nguyễn Tùng (40 tuổi, nhà đầu tư) cho biết từ sau giai đoạn dịch Covid-19 anh đã hạn chế xuống tiền đầu tư bất động sản tại khu vực phía Nam vì hàng loạt dự án bị vướng pháp lý.
“1-2 năm nay, tôi cùng nhóm bạn chủ yếu đầu tư đất nền, căn hộ tại khu vực phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên… Tuy nhiên, vì không am hiểu thị trường nên chúng tôi cũng khó khăn trong việc thoát hàng. Thời gian gần đây, nhận thấy thị trường bất động sản TP.HCM và vùng giáp ranh có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Nhất là sau thông tin hợp nhất 3 địa phương TP.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu khiến nhiều phân khúc bất động sản tăng giá nên tôi đã mạnh dạn xuống tiền đầu tư. Tôi đã mua một số căn hộ tại TP.Dĩ An cũ và đến hiện tại đã tăng giá từ 300-500 triệu/mỗi căn”, anh Tùng cho hay.
Trường hợp khác, chị Bích (35 tuổi, ngủ TP.HCM) cho biết mình vừa xuống tiền mua căn hộ thuộc phường Dĩ An (TP.HCM) với giá 3,5 tỷ đồng. Chị Bích cho hay trước đó mình khá phân vân, lưỡng lự vì thị trường có nhiều biến động nên vẫn gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng.
“Tuy nhiên, thông tin sáp nhập tỉnh thành khiến tôi nhìn thấy tiềm năng đầu tư vào bất động sản. Vì vậy, tôi đã quyết định xuống tiền mua dự án căn hộ pháp lý chuẩn chỉnh, ra được sổ hồng. Từ đây đến cuối năm 2025, nếu bán thì chắc chắn tôi cũng sẽ lời vài trăm triệu”, chị Bích cho hay.

Chia sẻ của một số môi giới, làn sóng đầu bất động sản khu vực phía Nam đã âm thầm tăng nhiệt từ cuối 2024 đến nay. Trước đó, nhiều khách hàng, nhà đầu tư lo lắng khi nhiều dự án phía Nam vướng mắc pháp lý, thông tin tiêu cực liên quan đến lãnh đạo một số doanh nghiệp…
“Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều dự án đã được tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thoát cảnh đắp chiếu làm gia tăng niềm tin của nhà đầu tư. Nhiều người đã mạnh dạn xuống tiền mua bất động sản (đặc biệt là căn hộ, đất nền) để tìm kiếm cơ hội sinh lợi. Trong đó, khu vực dẫn đầu về đầu tư vẫn là TP.HCM và Bình Dương với thông tin sáp nhập tỉnh, thành tạo dư địa phát triển bất động sản”, ông Đình Quân - môi giới thâm niên hơn 10 năm của sàn A.C tại TP Thủ Đức cũ, chia sẻ.
Tiềm năng thị trường bất động sản phía Nam
Ghi nhận thực tế của PV Dân Việt, nhiều doanh nghiệp địa ốc tại khu vực phía nam đã tái khởi động hoặc phát triển các dự án mới như Phú Đông Group, C-Holdings, Hưng Thịnh, Lê Phong… khiến thị trường trở nên sôi động.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản Việt Nam đã chính thức bước vào một chu kỳ mới với khởi đầu đạt nhiều kết quả khả quan. Nguồn cung nhà ở đã tăng mạnh trong nửa đầu năm, kéo theo lượng giao dịch gia tăng tương ứng, khi nhu cầu ở thực tiếp tục được duy trì ổn định và nhà đầu tư đã tích cực tham gia thị trường.
Chuyên gia VARS cho biết nguồn cung nhà ở tăng vọt đến từ việc nhiều dự án quy mô lớn được tái khởi động sau khi tháo gỡ vướng mắc pháp lý, đặc biệt là tại khu vực phía Nam. Các dự án mở bán mới có giá cao nhưng vẫn được hấp thụ tốt do nhu cầu nhà ở của nhóm có khả năng tài chính tốt, bao gồm cả người dân Việt Nam và khách nước ngoài, vẫn cao.

Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho hay đáng chú ý là sự trở lại mạnh mẽ của khu vực miền Nam, với hàng loạt dự án được khởi động và mở bán trở lại. Diễn biến này đã tạo hiệu ứng kích cầu đáng kể, thu hút sự quan tâm của cả người mua thực lẫn giới đầu tư. Đặc biệt, khu vực này còn ghi nhận làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ miền Bắc vào, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang từng bước được phục hồi.
Ông Nguyễn Thái Bình - Tổng Giám đốc Đông Tây Land đánh giá các nhà đầu tư phía Bắc ngày càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường bất động sản phía Nam, đặc biệt tại TP.HCM và các địa phương sáp nhập là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Bình, có thể chia nhà đầu tư thành ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất là nhóm có tiềm lực tài chính mạnh, có nhu cầu đầu tư lâu dài, tập trung vào bất động sản trung tâm như quận 1, Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, nơi có khả năng “trú ẩn” tài sản và khai thác cho thuê tốt. Nhóm thứ hai hướng đến các bất động sản ven hạ tầng trọng điểm như metro, vành đai, sân bay.
Nhóm thứ ba là các nhà đầu tư trung thành với các chủ đầu tư lớn từ miền Bắc Nam tiến, thường đi theo các dự án mở bán của Vingroup, Masterise, Ecopark… tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
“Trong nửa đầu năm qua, lượng khách đến từ phía Bắc chiếm khoảng 15-20% tổng lượng giao dịch, tăng khoảng 10-15% so với trước đây”, CEO Đông Tây Land cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Property Guru Việt Nam nhận định các khu vực vùng ven TP.HCM trước đây như TP Dĩ An, Thuận An đang hình thành tam giác phát triển đô thị - công nghiệp - dịch vụ mới, khiến thị trường bất động sản tại đây sôi động trở lại, thu hút không chỉ nhà đầu tư, mà cả người mua để ở thật.
Điểm đáng chú ý là, hạ tầng kết nối liên vùng như tuyến metro, quốc lộ mở rộng, cầu vượt, đường vành đai đã tạo điều kiện để người dân dễ dàng di chuyển và thời gian di chuyển không quá chênh lệch so với sống trong thành phố. Đây là trợ lực quan trọng thu hút nhà đầu tư đổ tiền về bất động sản phía Nam nói chung và TP.HCM mới nói riêng.
GIA LINH
Nguồn: danviet.vn