TP.HCM dùng vốn ngân sách để đầu tư tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương)

TP.HCM sẽ dùng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11 km.

Ngày 25/11, Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Ban cán sự Đảng về đề xuất phương án thực hiện Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương), (gọi tắt là metro số 2).

Sau khi xem xét Tờ trình số 7253/TTr-UBND của UBND Thành phố, Ban cán sự Đảng UBND Thành phố thống nhất chủ trương sử dụng vốn ngân sách Thành phố để đầu tư Dự án metro số 2 và bổ sung công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành vào Dự án metro số 2.

Tuyến metro số 2 đã tiến hành khởi công xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật vào tháng 6/2023. Tuy nhiên gói thầu chính của dự án chưa ấn định được thời gian khởi công chính thức - Ảnh:Lê Toàn

Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM giao UBND Thành phố chỉ đạo, Ban quản lý Đường sắt đô thị chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án, trong đó báo cáo đánh giá tác động toàn diện các vấn đề phát sinh (pháp lý, tài chính, ngoại giao,…).

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung cơ chế tổng thầu (EPC) vào Đề án phát triển đường sắt đô thị theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM xác định tuyến metro 2 phải là dự án thí điểm các cơ chính sách từ Đề án phát triển đường sắt đô thị theo Kết luận số 49KL/TW của Bộ Chính trị nên UBND Thành phố nghiên cứu, bổ sung các chính sách hoàn thiện phương án triển khai trình Ban cán sự Đảng UBND Thành phố trước ngày 28/11.

Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM được giao chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố phương thức huy động vốn phù hợp để triển khai Dự án metro số 2 trình UBND Thành phố trước ngày 30/11/2024.

Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) chiều dài hơn 11 km, được phê duyệt vào năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu là 1,3 tỷ USD (tương đương 26.000 tỷ đồng).

Đến năm 2019, Dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay ODA chiếm 37.487 tỷ đồng từ ba nhà tài trợ chính là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Báo cáo mới đây của Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho thấy, việc thu xếp tài chính cho dự án gặp nhiều khó khăn do thay đổi các điều kiện vay vốn từ các nhà tài trợ quốc tế.

Theo kế hoạch dự kiến, tuyến metro số 2 sẽ đi vào vận hành từ năm 2026. Tuy nhiên do gặp nhiều trở ngại từ vấn đề vay vốn nên TP.HCM xin điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2030.

Nguồn: Baodautu.vn