Các dự án giúp giao thông vùng Đông Nam Bộ “thay áo mới” đều có tổng mức đầu tư siêu khủng.
Để thay đổi diện mạo giao thông vùng Đông Nam Bộ, TP. HCM đang ấp ủ nhiều kế hoạch làm đường, mở rộng đường, xây cầu… trị giá hàng nghìn tỷ với 4 tỉnh lân cận.
Đồng Nai
TP. HCM đang triển khai kế hoạch xây cầu Cát Lái kết nối TP. Thủ Đức (TP. HCM) qua huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). UBND TP. HCM cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư cầu Cát Lái (dự kiến các mốc thời gian chính như: cập nhật quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng, khởi công…) và các nội dung phối hợp giữa 2 địa phương để làm cơ sở thống nhất triển khai thực hiện.
Ngoài cầu Cát Lái, hiện TP. HCM và Đồng Nai đã thống nhất xây thêm 2 cây cầu khác là Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2.
Cụ thể, cầu Đồng Nai 2 nối huyện Long Thành với TP. Thủ Đức quy mô 6 làn xe và cầu Phú Mỹ 2 nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua quận 7 ở phía Nam TP. HCM quy mô 6 làn xe.
Bình Dương
TP. HCM đang chuẩn bị mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài hơn 5km theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Đoạn đường sẽ được mở rộng lên 53-60m, tổng vốn khoảng 13.851 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 9.375 tỷ đồng. Tại Bình Dương, TP. HCM cũng đang để tâm đến cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài gần 55km đi qua TP. HCM, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Mỗi địa phương là cơ quan có thẩm quyền triển khai đoạn đi qua địa bàn.
Đồng thời, TP. HCM sẽ làm đoạn đường dẫn cao tốc kết nối từ nút giao Gò Dưa - Vành đai 2 TP. HCM đến ngã ba Độc Lập (giáp với tỉnh Bình Dương) dài khoảng 1,65km, rộng 60m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.660 tỷ đồng.
Long An
Tại Long An, TP. HCM đang lên kế hoạch mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) lên 52m cho 8 làn xe với tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng) theo hình thức BOT.
Sở GTVT TP. HCM cũng đề xuất mở đường mới phía Tây Bắc, dài khoảng 8km, rộng 40m. Dự án sẽ kéo dài đường liên ấp 6-2-5 từ đường Nguyễn Thị Tú và đường Vĩnh Lộc đến ranh tỉnh Long An. Đồng thời, đầu tư nút giao liên thông hoàn chỉnh với đường Vành đai 3 TP. HCM. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 8.800 tỷ đồng theo hình thức PPP, giai đoạn 2024-2030.
Bên cạnh đó, Sở GTVT đề xuất kéo dài đường Võ Văn Kiệt đến khu vực khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô ở huyện Đức Hòa (Long An). Dự án dài khoảng 12,5km, rộng 60m, tổng vốn khoảng 8.400 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tây Ninh
Trên đất Tây Ninh, TP. HCM đang đẩy nhanh tiến độ cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, với chiều dài 51km sắp được triển khai theo hình thức BOT. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là hơn 19.600 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng hơn 6.700 tỷ đồng).
TP. HCM dự kiến lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2024-2025, khởi công dự án chậm nhất ngày 30/4/2025, hoàn thành năm 2027.
Cũng tại Tây Ninh, Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 TP. HCM) dài 9,1km sẽ được mở rộng lên 60m đáp ứng 8 làn xe, trên tuyến xây dựng một số cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ, nút giao Nguyễn Văn Bứa…
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.100 tỷ đồng theo hình thức BOT. Công trình dự kiến khởi công vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026, hoàn thành sau 3 năm.
Phương Hà
Nguồn: chatluongvacuocsong.vn