TP HCM sẽ tiếp tục bán đấu giá các lô đất dự án thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm để tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Tại hội nghị ngày 15/7, bà Trần Mai Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính TP HCM, cho biết đến hết tháng 6, số thu tiền sử dụng đất trên địa bàn gần 3.580 tỷ đồng, bằng 11% dự toán được giao.
Theo bà Phương, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ đẩy tiến độ thẩm định phương án giá đất. Việc này nhằm khai thác nguồn thu từ nhà đất thông qua bán đấu giá các khu đất, thu nghĩa vụ tài chính.
"Thành phố đang hoàn thiện kế hoạch tổ chức đấu giá các lô đất tại các dự án thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm", bà Phương cho biết. Theo bà, nguồn thu này sẽ giúp tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Trước đó, hồi tháng 4, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo gửi UBND TP HCM về kế hoạch bán đấu giá 19 lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, cơ quan này dự kiến bán các lô "đất vàng" này theo thứ tự. Cụ thể, sau khi có kết quả đấu giá thành công của 3 lô đất (lô 1-2, lô 1-3 và lô 3-5), thành phố sẽ rút kinh nghiệm và triển khai đấu giá tiếp 16 lô đất còn lại.
Theo kế hoạch, từ tháng 4-9, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện hồ sơ pháp lý của lô đất 3-5. Trước tháng 10, TP HCM sẽ lựa chọn và thuê đơn vị thực hiện cuộc đấu giá. Thời gian dự kiến tổ chức đấu giá lô đất này là trước ngày 2/12.
Việc đẩy nguồn thu từ đấu giá các khu đất tại Thủ Thiêm là một trong những giải pháp để TP HCM có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách năm nay, theo đại diện Sở Tài chính.
Tổng thu ngân sách của thành phố 6 tháng đầu năm đạt gần 267.400 tỷ đồng. Trong khi, chi ngân sách hơn 31.700 tỷ đồng. Dự toán chi ngân sách năm nay là 149.900 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển gần 75.600 tỷ đồng.
"Với nguồn chi này, thành phố phải tăng số thu từ sử dụng đất 33.960 tỷ đồng", bà Phương nói, đánh giá việc đạt kế hoạch thu ngân sách, đặc biệt nguồn thu tiền sử dụng đất là thách thức lớn của TP HCM.
Theo bà Phương, từ nay đến cuối năm, thành phố cũng dự kiến siết quản lý thu thuế thương mại điện tử, thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, nhất là trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu, dịch vụ ăn uống, nhà hàng...
Ngoài các giải pháp trên, lãnh đạo Sở Tài chính TP HCM đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn về sử dụng nhà, đất là tài sản công không ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Phương Dung
Nguồn: Vnexpress.vn