TPHCM sẽ xây Nhà hát Thủ Thiêm gần 2.000 tỉ đồng hiện đại bậc nhất thế giới

TPHCM - Nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là Nhà hát Thủ Thiêm) tổng vốn 2.000 tỉ đồng sẽ có thiết kế hiện đại bậc nhất trên thế giới, thể hiện được giá trị đặc sắc riêng về nghệ thuật biểu diễn, hình thành di sản văn hóa của TPHCM.

TPHCM sẽ xây Nhà hát Thủ Thiêm gần 2.000 tỉ đồng hiện đại bậc nhất thế giới
Phối cảnh phương án thiết kế nhà hát Thủ Thiêm đạt giải nhì. Ảnh: Liên danh tư vấn

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản gửi các sở, ngành liên quan về phương án thiết kế kiến trúc công trình dự án nhà hát Thủ Thiêm.

Theo đó, ông Phan Văn Mãi giao Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và các sở ngành, đơn vị liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 24.5 về thiết kế kiến trúc dự án.

Trong đó, tiếp tục nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể về ý tưởng thiết kế kiến trúc nhà hát, công năng sử dụng, giá trị nghệ thuật, sự đồng bộ, hài hòa, phù hợp với cảnh quan, mỹ quan, không gian kiến trúc đô thị.

Nghiên cứu một số đặc trưng nổi trội của phương án thiết kế S99 (dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa, ẩm thực... ) để bổ sung và hoàn thiện phương án thiết kế D12, bảo đảm phương án thiết kế kiến trúc xây dựng nhà hát hiện đại, đa chức năng, nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật (Opera, giao hưởng, vũ kịch, cải lương, hội thảo, giao lưu, du lịch...).

Việc thiết kế sân khấu phục vụ biểu diễn phải đáp ứng các yêu cầu của sân khấu hiện đại bậc nhất trên thế giới, thể hiện được giá trị đặc sắc riêng về nghệ thuật biểu diễn, hình thành di sản văn hóa của TPHCM.

Ngoài ra, phương án thiết kế kiến trúc phải đảm bảo các tiêu chí về thiết kế đặc sắc, hài hòa về mỹ thuật, tạo điểm nhấn về thiết kế kiến trúc văn hóa, hiện đại, khoa học, hài hòa các giá trị truyền thống, kết hợp xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”; tạo độ cảm nhận sâu sắc các giá trị văn hóa của công trình cho từng đối tượng phục vụ.

Đồng thời, phương án thiết kế phải thể hiện đầy đủ các yếu tố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, mang tính đại chúng, tính nhân văn nhằm phục vụ rộng rãi các tầng lớp nhân dân và du khách.

TPHCM yêu cầu quá trình chuẩn bị các bước triển khai thực hiện cần nghiên cứu, xem xét hết sức kỹ lưỡng, tiếp tục tham khảo, lắng nghe, tiếp thu tối đa ý kiến các chuyên gia về nghệ thuật biểu diễn, giới chuyên môn về thiết kế kiến trúc nghệ thuật, nghệ sĩ chuyên sâu giao hưởng, vũ kịch, cải lương... kết hợp nghiên cứu, tiếp thu thiết kế mỹ thuật các nhà hát nổi tiếng của các nước.

Việc này để triển khai thực hiện bảo đảm các tiêu chí về ý tưởng kiến trúc nhà hát hiện đại, quy mô, công năng sử dụng, yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật, tính bền vững của công trình, độ bền vật liệu, về diện tích, kinh phí thực hiện tương xứng. Có thể nghiên cứu kêu gọi xã hội hóa đầu tư một vài hạng mục nhằm xây dựng nhà hát tương xứng tầm vóc của TPHCM.

Phối cảnh phương án thiết kế nhà hát Thủ Thiêm đạt giải nhì.  Ảnh: Liên danh tư vấn
Vị trí Nhà hát Thủ Thiêm được xây tại góc cầu Ba Son (hướng từ Quận 1 qua Thủ Thiêm). Ảnh: Liên danh tư vấn

Dự án Nhà hát Thủ Thiêm được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư tháng 10.2018, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng.

Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Nhà hát nằm trên lô đất có ký hiệu 1-21 (bên hông cầu Ba Son), rộng 10.030 m2.

Công trình dự kiến hoàn thành năm 2022 nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và điều kiện ngân sách gặp nhiều khó khăn nên TPHCM chưa thể bố trí vốn đầu tư xây dựng trong năm 2021 và 2022.

Đến năm 2023, dự án được bố trí 1,6 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM (chủ đầu tư) chi thưởng cho các đơn vị đạt giải thiết kế.

Cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc Nhà hát Thủ Thiêm không có giải nhất, ban tổ chức trao 2 giải nhì cho liên danh.

UBND TPHCM đã lập và xác định danh mục các dự án cấp bách cần sớm triển khai thực hiện sử dụng nguồn thưởng vượt dự toán thu năm 2022 và đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù, trong đó có dự án nhà hát Thủ Thiêm.

Đến nay, tổng mức đầu tư dự án tăng lên gần 2.000 tỉ đồng. Hiện UBND TPHCM giao Sở Văn hóa và Thể theo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo.

Nhà hát Thủ Thiêm được chọn là công trình dấu ấn chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.2025).

Nguồn: Laodong.vn